cart.general.title

Dạy trẻ em thế nào là lãi suất, tỉ giá, lạm phát để dùng tiền đúng

Chuỗi sự kiện giáo dục tài chính tại trường học của NXB Kim Đồng và Dự án Sách Nhà Mình sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tài chính, tiền tệ.

TS Trịnh Thị Phan Lan giao lưu cùng các em học sinh tại chương trình. Ảnh: BTC.

Chiều 26/1, chương trình có chủ đề "Đi tìm cửa hàng bán hạnh phúc" được tổ chức tại trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) với sự tham gia của nhiều học sinh khối 8, giáo viên trường và chuyên gia tài chính, ngân hàng TS Trịnh Thị Phan Lan - giảng viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), giám đốc chương trình Tài chính cá nhân trẻ em, khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế).

Đây cũng là chương trình mở màn chuỗi sự kiện giáo dục tài chính dành cho học sinh mang tên "Booktour Thông minh Tài chính: Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền", do Nhà xuất bản Kim Đồng và Dự án Sách Nhà Mình tổ chức.

Tại sự kiện, các em học sinh được tìm hiểu về tài chính qua các câu chuyện, trò chơi tương tác vui vẻ, dễ hiểu. Những câu hỏi từ chuyên gia như "Tiền là gì?", "Những thứ gì không thể mua được bằng tiền?", "Hiểu về tiền như thế nào mới đúng" khiến các em hào hứng trả lời, dễ dàng tiếp cận các kiến thức tưởng chừng khô khan, chỉ dành cho người lớn.

"Qua sự kiện, em học được rất nhiều điều, như là hiểu về cách chi tiền cũng như chia ra các quỹ để có thể quản lý tiền một cách tốt hơn. Trước đây, em từng để tiền tiết kiệm nhưng không biết cách làm sao duy trì hiệu quả nên tiêu hết, giờ em đã hiểu nên phân bố ra sao", Thanh Lâm (lớp 8A1, THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ sau khi tham gia chương trình.

Sau "Đi tìm cửa hàng hạnh phúc" sẽ là chương trình "Hiểu biết về quản trị tài chính cá nhân" (diễn ra ngày 30/1 tại Trường Trung học Vinschool Times City) và "Buồn vui chuyện ví tiền của mẹ" (diễn ra ngày 31/1 tại THCS Phương Đình).

Các trò chơi, hoạt động vui vẻ khiến các em học sinh hào hứng tham gia. Ảnh: BTC.

Thông qua các hoạt động tương tác, đồng hành chia sẻ của chuyên gia, chuỗi chương trình sẽ cung cấp cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về tiền tệ như lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, bước đầu làm quen với những khái niệm như tiền điện tử, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá; biết cách quản lý tài chính cá nhân, sử dụng đồng tiền, cách tiết kiệm tiền, cách làm ra tiền và cao hơn nữa là những khái niệm về đầu tư, trái phiếu, cổ phiếu, bảo hiểm...

Các khái niệm, kiến thức, thông tin về tài chính, tiền tệ sẽ được giải thích một cách dễ hiểu, gần gũi, phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn: Lạm phát, giảm phát khác nhau thế nào? Tỉ giá và lãi suất liên quan gì đến nhau? Đi nước ngoài được mang bao nhiêu ngoại tệ tiền mặt? Tiền cũ nát đổi ở đâu?...

Chuỗi chương trình kỳ vọng vừa trang bị được cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về tài chính, tiền tệ, vừa giúp các em hiểu và trân trọng giá trị của lao động, có thái độ đúng đắn với việc kiếm tiền, tiêu tiền.

Nguồn: Zings