cart.general.title

'Văn hóa lì xì sách Tết đang dần hình thành'

Theo Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM Trung Nghĩa, sách từng là thú vui thanh tao, trang nhã dịp Tết của người xưa, nay được hồi sinh thành món ăn tinh thần quý báu.

Nhà báo Trung Nghĩa là Đại sứ Văn hoá đọc TP.HCM 2023-2024; thành viên Ban điều hành dự án Đọc sách cùng Xích Lô do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sáng lập. Anh có sở thích sưu tầm các bìa tạp chí, sách báo chủ đề mùa Xuân - ngày Tết.

Dịp đón Tết Giáp Thìn 2024, nhà báo Trung Nghĩa đã chia sẻ với Znews về văn hóa chọn sách làm lì xì dịp Tết.

Đại sứ Văn hoá đọc TP.HCM, nhà báo Trung Nghĩa dẫn chương trình Du hành cùng sách diễn ra tại Đường sách TP.HCM, hướng đến lan tỏa tình yêu sách ở các em thiếu nhi. Ảnh: NVCC.

Sách Tết là món quà trang nhã, giàu giá trị văn hóa-tinh thần

Theo quan sát của anh, văn hóa lì xì sách dịp Tết đã phát triển như thế nào trong những năm qua?

Tôi quan sát thấy những quyển sách trình làng dịp Tết trong khoảng 5 năm trở lại đây không chỉ hay về nội dung mà còn đặc sắc về trình bày, in ấn chất lượng cao để hưởng ứng xu hướng mới trong xã hội văn minh hiện đại: mọi người giao hảo tặng sách quý cho nhau dịp Tết bên cạnh bánh mứt, rượu trà… Văn hóa lì xì sách dịp Tết dần hình thành và theo tôi đây là một điều rất thú vị, mang tính đời sống thị dân đẹp đẽ, trang nhã, thanh tao.

Anh nghĩ văn hóa lì xì sách phản ánh và ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa đọc?

Tôi cho rằng đây là một sự kết hợp thú vị.

Thực tế tặng sách là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời và ở mọi nơi, mọi thời điểm. Nếu dịp Tết đến xuân về nhiều người tặng sách cho nhau để bày tỏ tình cảm, sự quan tâm đến người thân, bạn bè thì điều này mang giá trị tinh thần rất hay.

Xin lưu ý là dịp đầu năm chúng ta thường tặng những món quà mang ý nghĩa, mang lại sự tươi vui, may mắn... Và sách chứa tất cả những yếu tố tốt đẹp đó. Sách giúp bạn gia tăng tri thức, vốn sống, sự hiểu biết, góp phần giúp bạn phát triển bản thân, đi đến thành công, thịnh vượng cho hiện tại đến tương lai.

Anh đánh giá ra sao về số lượng, chất lượng hình ảnh-nội dung các ấn phẩm sách về mùa xuân-ngày Tết trong những năm gần đây?

Tôi rất hào hứng chờ đợi dịp Tết để đón đọc các giai phẩm Sách Tết của các đơn vị xuất bản. Ví dụ Đông A đã ấn hành Sách Tết thường niên liên tục 6 năm qua, luôn tạo ấn tượng đẳng cấp phong phú, chất lượng về nội dung văn thơ nhạc hoạ lẫn hình thức trình bày, minh hoạ. Nhà xuất bản Kim Đồng có bộ Nhâm nhi Tết khổ vuông như một “bánh chưng tinh thần” đáng yêu, gần gũi độc giả thiếu nhi lẫn người lớn.

Nhà xuất bản Trẻ có nhiều bộ sách hợp không khí Tết mà mới đây tôi rất thích đọc bộ sách văn hoá dân tộc Nếp cũ in phiên bản mới trang trọng của tác giả Toan Ánh. Đơn vị sách Thái Hà Book cũng có quyển Tết Việt ra mắt xuân Giáp Thìn có nội dung thú vị, đáng đọc.

Nhà báo, Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM 2023-2024 Trung Nghĩa.

Tết là thời điểm thuận lợi để tiêu thụ sách hay

Lì xì sách Tết có ý nghĩa như thế, vậy theo anh cần làm gì để nét văn hóa này được lan tỏa hơn nữa?

Các đơn vị xuất bản tiếp tục đầu tư tâm huyết vào các ấn phẩm Sách Tết thường niên, ra mắt trước Tết càng sớm càng tốt (ví dụ từ đầu tháng 12 dương lịch). Sách Tết cần in thật đẹp để ai cầm lên, nhận “lì xì” đều xuýt xoa không thể rời mắt và trân quý nó.

Các địa phương nên tổ chức Lễ hội sách Tết, tổ chức để công chúng du xuân đến với sách một cách thuận lợi. Tết là thời điểm rất thích hợp để đẩy mạnh tiêu thụ sách hay.

Dịp này mọi người thường dễ trút hầu bao vì tâm lý thích mua một món gì đó có ích, có giá trị cho bản thân. Bên cạnh cơm ăn áo mặc thì một quyển sách dạy nghề, dạy tư duy, dạy làm giàu, dạy sống bình an… rõ là phù hợp để đọc, tham khảo từ đầu năm nhằm hướng tới một năm mới phát triển thuận lợi.

Với cá nhân anh, khi tặng sách Tết làm lì xì, anh có kèm thêm những món quà khác (tiền, quà bánh...)? Anh có thường kèm theo lời giới thiệu về cuốn sách để khuyến khích người nhận đọc sách hay không?

Tôi nghĩ cách thức nào cũng ổn cả. Đã có những giỏ quà Tết gồm thiệp xuân, bánh kẹo, chai rượu xuân kèm bộ sách Sơn Nam, Vương Hồng Sển, sách về ba miền Bắc - Trung - Nam, sách về phong tục, văn hóa ngày Tết nguyên đán cổ truyền sách dạy làm ăn, tinh thần khởi nghiệp, phát triển bản thân…

Nếu như việc đọc “Sách Tết” từng là một thú vui thanh tao, trang nhã của người xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về thì ngày nay, việc đọc sách trong ngày Tết được xem là hồi sinh một giá trị tinh thần đáng quý trong đời sống hiện đại!

Có thể tin những mùa Tết năm sau, năm nữa, tương lai việc “lì xì sách Tết” trở thành một thói quen tao nhã, hiện đại và ngày càng thiết thực mà ai cũng thích, ý thức được giá trị và trân trọng.

Đổi lại ở vai trò người nhận lì xì thì anh kỳ vọng gì ở sách Tết?

Tôi nghĩ rằng những món quà thể hiện tình cảm giữa người cho và người nhận một cách trang nhã như sách không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần mà còn thật sự hữu dụng khi “quà sách” hoàn toàn có thể được trưng bày đẹp đẽ nơi phòng khách ba ngày Tết, như một điểm nhấn bên cạnh báo xuân, hộp mứt, bình trà, chậu hoa mai, đào...

Ngày Tết cũng là thời gian nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi, tĩnh tại, dễ dàng tiếp cận với sách, chú tâm đọc sách mà không bị ảnh hưởng bởi công việc hay những điều bận tâm khác thường ngày.

Tôi thích các loại sách Tết góp phần làm giàu những giá trị văn hóa tinh thần trong thời khắc đón chào năm mới.

Việc “lì xì sách Tết” cho thấy đã có một sự dịch chuyển tích cực về nhận thức trong cộng đồng xã hội là bên cạnh sự ấm no về vật chất, đủ đầy về áo cơm, gạo tiền thì còn cần lắm những “ấm áp” về tri thức, tinh hoa, vốn sống, kể cả tính giải trí chứa trong những trang sách ngày nay.

Nguồn: Zings