cart.general.title

CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HỌC KHÁNG CHIẾN QUA SÁCH ẢNH TRẦN VĂN LƯU

Nhân kỉ niệm 70 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của các hội Văn học nghệ thuật ngày nay, được sự cộng tác của gia đình nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh: Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu.

Cuốn sách hội tụ gần 200 bức ảnh nghệ thuật và tư liệu quan trọng nhất của Trần Văn Lưu về các gương mặt văn nghệ sĩ kháng chiến cũng như đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp.

Cuốn sách cũng giúp bạn đọc hiểu thêm về một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp song cuộc đời có phần bị khuất lấp.

Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được biết đến là “Người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến”. Ông tham gia kháng chiến ngay từ buổi đầu và bắt đầu chụp các văn nghệ sĩ từ khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời.

Hòa mình với đời sống văn nghệ, hiểu rõ tâm hồn văn nghệ sĩ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ, Trần Văn Lưu đã lưu lại qua ống kính những chân dung văn nhân một thời, bằng tất cả những nét cá tính hào hoa và đặc biệt nhất.

Khó ai có thể quên những bức ảnh nổi tiếng như bảy văn nghệ sĩ chụp trước trụ sở Hội Văn nghệ ở Xóm Chòi (Thái Nguyên), các văn nghệ sĩ chia tay nhau lên đường ra mặt trận, hay hình ảnh kịch sĩ Thế Lữ hóa trang vào vai diễn, nhạc sĩ Văn Cao với cây đàn ghi ta, nhà văn Nguyễn Tuân ngậm tẩu…

Ít ai biết, tác giả của những bức ảnh tư liệu nghệ thuật đắt giá ấy chính là Trần Văn Lưu. Phải đến hàng chục năm sau khi những bức ảnh đó ra đời, cũng phải 15 năm sau ngày tác giả đi xa, cuốn sách ảnh này mới đến tay bạn đọc.

Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu là một cuốn sách ảnh không chỉ công phu trong tổ chức biên soạn, mà còn thăng hoa với những giá trị cốt lõi: giá trị tư liệu đắt giá - giá trị nghệ thuật điển hình.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: “Cuốn sách, có thể nói, là một bộ sưu tập những bức ảnh vô cùng quý giá về nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng trong kháng chiến, và sau hòa bình lập lại, bên cạnh những bức ảnh khác giúp tái hiện bối cảnh họ đã sống và sáng tác hết sức cảm động. Đồng thời, cuốn sách cũng giúp ta thấy được cuộc đời và sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, một sự nghiệp có thể còn chưa được đánh giá đúng mức, nhưng thật đáng trân trọng.”

Trong 200 trang sách ảnh khổ lớn, bạn sẽ gặp lại những gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu như Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, sống trong không khí hào hùng của những năm tháng văn nghệ song hành với cuộc kháng chiến, đến những chi tiết đặc sắc: sinh hoạt trong kháng chiến, bệnh viện giữa rừng, một buổi chào cờ của Thiếu sinh quân…

Cuốn sách còn nhắc đến địa chỉ văn hóa 11 Hàng Bông, là nơi ở của gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, cũng là nơi rộng mở cho văn nghệ sĩ đến đàm đạo. Từ tình cảm bạn bè trân quý, cùng nhau trải nghiệm mọi vui buồn thời cuộc, ống kính của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã “bắt” được những khoảnh khắc vàng, bừng sáng cái Tôi của mỗi gương mặt nghệ sĩ, lưu lại những chi tiết sống động nhất của hiện thực kháng chiến.

Đằng sau mỗi bức ảnh in hằn dấu ấn thời gian, là tình cảm thao thiết với vănnghệ, yêu cái Đẹp và biết ơn cuộc sống mà ông Trần Văn Lưu gửi gắm.

Cuộc kháng chiến dân tộc đã lùi xa hơn nửa thế kỉ, nhưng gia tài gần 300 bức ảnh và tư liệu của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu có “thâm niên” chừng ấy thời gian, vẫn có giá trị thời đại quan trọng đối với nền văn nghệ Việt Nam nói riêng, với đời sống nghệ thuật nói chung./.


Thông tin chi tiết:
Tên sách: Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu
Biên soạn: Nguyễn Huy Thắng – Trần Chính Nghĩa
Khuôn khổ: 23.5x30 cm
Số trang: 200
Giá bìa: 280.000đ/cuốn

 

Phụ lục

1. Về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu:

- Sinh ngày 10-1-1917 tại Nam Định.

- Học sơ học trường Pháp - Việt, sau theo học lớp khoa học do Phòng thương mại mở.

- 1942: Mở Photo Atelier (Hà Nội ảnh quán).

- 1945: Cùng các đồng nghiệp ở Hà Nội ảnh quán chụp chân dung Hồ Chủ tịch.

- 1946: Tham gia kháng chiến, tản cư về Đại Từ, Thái Nguyên.

- Tháng 7-1948, Hội Văn nghệ VN thành lập, bắt đầu chụp các sự kiện văn nghệ và văn nghệ sĩ. Tổng cộng hơn 300 bức ảnh.

- Tháng 11-1949, Đoàn Nhiếp ảnh thành lập, được bầu vào Ban chấp hành.

- 1954: Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô.

- 1955: Mở hiệu ảnh tư ở phố Tràng Tiền, rồi Đinh Công Tráng. Bắt đầu tình

bạn với họa sĩ Bùi Xuân Phái.

- 1966: Chuyển về 11 Hàng Bông. Tiếp tục kiếm sống bằng nghề ảnh.

Viết cho tạp chí nước ngoài và gửi ảnh tham dự nhiều cuộc thi quốc tế.

- 2003: Mất ngày 15-2, thọ 86 tuổi.

- 2004: Được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba.

- 2018: Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản sách Văn nghệ & kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu.

2. Trích đăng: Trần Văn Lưu – Người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến

Đằng sau mấy chữ “văn nghệ kháng chiến” ở dòng tít trên là cả một thế giới hình ảnh vô cùng phong phú và cảm động. Nó không chỉ gói gọn trong một đối tượng văn học nhất định hay một giai đoạn văn nghệ cụ thể, mà có tầm ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Bởi vì “văn nghệ kháng chiến” chính là sự hội tụ của những gương mặt hàng đầu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, ở đúng vào thời điểm nền văn nghệ ấy, tuy mới hình thành, nhưng đã có mặt ở tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà. Từ những văn nghệ sĩ lớp trước – những Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… qua lớp người sau hơn một chút nhưng đã sớm trở thành nòng cốt của cả đội ngũ, như Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, đến những người thực sự khởi đầu sự nghiệp ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp, như Thôi Hữu, Nguyễn Sáng, Lương Ngọc Trác… – tất cả đều dấn mình vào cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc.

Những gương mặt ấy với những hoạt động trên mặt trận văn nghệ của họ, với những tác phẩm văn, thơ, kịch, nhạc, họa đậm dấu ấn một thời của họ, đã làm nên một phần lịch sử của văn nghệ Việt Nam, cũng là một phần lịch sử của dân tộc. Và thật vinh dự cho nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu khi ông không chỉ có mặt trong đội ngũ văn nghệ tiên phong ấy, mà còn chính là người, do cơ may, do duyên số, hay như một sứ mệnh được giao phó, đã ghi lại qua ống kính của mình những hình ảnh một đi không trở lại của họ, về họ, về một thời văn nghệ trong trẻo, huy hoàng, để rồi giờ đây ông được gọi là “người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến”.

Trần Văn Lưu sinh ngày 10-1-1917 ở phố Hàng Sắt, Nam Định. Cha là Trần Văn Tĩnh, làm kí ga, một viên chức nhỏ trong bộ máy của chính quyền bảo hộ. Là con trai độc nhất, cậu bé Lưu được gia đình cố lo cho theo học trường Pháp - Việt. Chẳng may cha mất sớm, cậu chỉ được học đến hết bậc sơ học. Bấy giờ Phòng thương mại ở Hà Nội có mở lớp dạy khoa học, cậu xin theo học và đến năm 20 tuổi thì tốt nghiệp. Đến đây bắt đầu sự học ở đời của nhà nhiếp ảnh tương lai. Có được chứng chỉ của Phòng thương mại, song Trần Văn Lưu không đi làm cho chính quyền bảo hộ. Anh quyết định tự kiếm sống bằng nghề tự do.

Bấy giờ, nghề ảnh đã khá thịnh hành ở Việt Nam và đặc biệt hấp dẫn giới trẻ. Trần Văn Lưu cùng người em đồng hao Nguyễn Hồng Nghi cũng mày mò học làm ảnh và quyết tâm theo nghề. Ban đầu, để thử sức, các ông mở hiệu ảnh ở thành Nam gọi là “Á Đông ảnh quán”. Khi đã tự tin hơn, hai anh em lên Hà Nội lập nghiệp. Tại số 2 đường Cột cờ (bấy giờ có tên là Avenue Puginier, nay là phố Điện Biên Phủ), các ông mở Photo Atelier, hay Hà Nội ảnh quán theo tiếng Việt. Hiệu ảnh được tổ chức theo lối bài bản, với Giám đốc kĩ thuật là Vũ Năng An, Giám đốc thương mại là Trần Văn Lưu.

Thời gian đầu, Trần Văn Lưu vừa phải lo trau dồi tay nghề, vừa quán xuyến, lo toan việc tổ chức, điều hành hiệu ảnh. Không chỉ trông vào kinh nghiệm cá nhân, ông luôn để tâm học hỏi từ các đồng nghiệp, đồng thời tìm mua sách báo chuyên về nhiếp ảnh để mình và các bạn nghề tham khảo. Năm 1942, Trần Văn Lưu cùng các nhiếp ảnh gia Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi mở triển lãm ảnh chuyên về phong cảnh và chân dung tại hiệu ảnh của mình. Triển lãm đã gây tiếng vang và được họa sĩ Tô Ngọc Vân viết bài hoan nghênh hướng đi của nhóm tác giả.

Một sự kiện đặc biệt đã đến với Trần Văn Lưu khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ít hôm sau ngày Quốc khánh 2-9-1945, hiệu ảnh của ông cùng năm hiệu ảnh nổi tiếng khác ở Hà Nội được chính quyền cách mạng non trẻ mời lên chụp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục đích là để chọn lấy một bức đạt nhất dùng làm ảnh chân dung chính thức của Hồ Chủ tịch để công bố với quốc dân đồng bào. Thật vinh dự cho Hà Nội ảnh quán của Trần Văn Lưu khi bức ảnh do nhóm các ông thực hiện đã được đích thân Hồ Chủ tịch chọn. Đó chính là bức ảnh nổi tiếng mà ở mắt Người có một đốm sáng khiến người ta truyền tụng là mắt Cụ Hồ có hai con ngươi.

Thành công của bức ảnh chụp Hồ Chủ tịch là một sự khích lệ lớn đối với Trần Văn Lưu và các cộng sự, đồng thời cũng giúp định hướng đi mới cho cuộc đời ông: dùng nhiếp ảnh phục vụ chế độ dân chủ nhân dân. Tháng 8 năm 1946, trên số báo Tiên phong đặc biệt kỉ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám, người ta thấy xuất hiện những dòng quảng cáo của Hà Nội ảnh quán, khi hiệu ảnh đổi tên là Ảnh viện và chuyển đến một địa điểm mới. Quảng cáo ghi rõ về “nhân sự” vẫn do Vũ Năng An làm Giám đốc kĩ thuật, Trần Văn Lưu làm Giám đốc thương mại, và gian hàng do các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp và họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày.

Chúng ta biết rằng báo Tiên phong là cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc, một tổ chức thành viên của Mặt trận Việt Minh. Viết hay đăng quảng cáo trên tờ báo này cũng có nghĩa là khẳng định thái độ tham gia vào nền văn nghệ mới, văn nghệ cách mạng. Dễ hiểu là mấy tháng sau, khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Trần Văn Lưu đã có mặt trong đội ngũ văn nghệ sĩ rời Hà Nội ra đi kháng chiến, dấn mình vào cuộc chiến đấu chống thực dân xâm lược. Cùng với ông còn có đủ cả các thành viên hoặc cộng tác viên của Ảnh viện: Vũ Năng An, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Tô Ngọc Vân, mỗi người bằng vũ khí văn nghệ của mình đều sẽ góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, như lịch sử đã ghi nhận.                                                                    

Đưa cả gia đình tản cư về vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, Trần Văn Lưu đã thể hiện dứt khoát thái độ công dân và nghệ sĩ của mình trước nguy cơ đất nước bị xâm lăng. Nhưng, như sau này ông trả lời trong một bài phỏng vấn, ban đầu nhà nhiếp ảnh cứ ngỡ kháng chiến chỉ kéo dài độ hai tháng là cùng. Sau đó, cũng như nhiều cuộc xung đột giữa Pháp và mình trước đó, Cụ Hồ sẽ dàn xếp để vãn hồi hòa bình, gia đình ông cũng như mọi đồng bào tản cư khác sẽ lại trở về Hà Nội làm ăn sinh sống…

Không ngờ chiến sự cứ ngày một lan rộng và yêu cầu trường kì kháng chiến không còn là khẩu hiệu kiểu “nói để mà nói” mà đã thành một thực tế ai nấy phải đối mặt. Sau một thời gian, đồ dự trữ mang theo đã hết, vàng bạc nếu có cũng đã bán đi ăn dần, người ta bắt đầu phải lo tăng gia sản xuất, mở hàng mở quán để kiếm sống. Trần Văn Lưu quyết định hành nghề ảnh ở nơi tản cư. Dù hoàn cảnh nào thì người ta cũng cần có tấm hình kỉ niệm chứ! Ông nghĩ vậy và thực tế đã trả lời ông đúng. Nghề ảnh đã giúp ông lo cho gia đình qua được những khó khăn ban đầu.

Sau khi đã tạm ổn định cuộc sống gia đình, Trần Văn Lưu bắt đầu nhận các công việc của một người làm nhiếp ảnh đi kháng chiến. Thời gian đầu, ông chụp cho Nha Bình dân học vụ. Hiện trong gia đình nhà nhiếp ảnh còn giữ được một văn bản do Tổng  giám đốc Nguyễn Công Mỹ kí, giới thiệu ông “đi lấy tài liệu nhiếp ảnh về bình dân học vụ cho Nha”. Sau đó, ông chuyển sang chụp cho Ban tuyên truyền Phòng chính trị Liên khu 10 thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Liên khu 10 là địa bàn bao gồm một số tỉnh Việt Bắc, trong đó có Phú Thọ, nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ thời kì đầu kháng chiến. Trần Văn Lưu đã chụp được nhiều hình ảnh của họ khi ấy, đặc biệt ấn tượng là nhà thơ Tố Hữu, một người lãnh đạo văn nghệ chủ chốt, hay các gương mặt nghệ sĩ hàng đầu như Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao…

*   *   *

Hòa bình lập lại, nhà nhiếp ảnh trở về Hà Nội, mang theo hơn ba trăm bức ảnh về văn nghệ và nhiều đề tài khác nữa mà ông đã thực hiện trong suốt những năm kháng chiến – đây là con số về sau các con ông thống kê được, chứ lúc ấy có lẽ tác giả cũng không nắm rõ. Khác với một số người đi kháng chiến trở về mang nặng tư tưởng thành tích, Trần Văn Lưu hầu như quên ngay mọi quyền lợi mà một người từng có không ít đóng góp như ông có thể đòi hỏi. Ông tự mở hiệu ảnh, ngõ hầu sẽ lại kiếm sống bằng nghề như khi trước. Và cũng như trước, ông tiếp tục chụp các sự kiện văn nghệ, như Đại hội Văn công toàn quốc, và cả các sự kiện đặc biệt gây ấn tượng trong đời sống thủ đô thời gian đầu sau hòa bình lập lại, như lễ duyệt binh lớn trong ngày Quốc khánh 2-9-1955…

Tuy nhiên, việc kiếm sống bằng nghề tự do sau 1954 không còn được dễ dàng như trước 1945 khi ông mới hành nghề. Bấy giờ đang có chủ trương dẹp bỏ “tư thương”, vận động các người kinh doanh, sản xuất vào hợp tác xã hoặc chuyển sang hình thức công tư hợp doanh. Chỉ trong mấy năm trời, ông phải chuyển địa điểm tới mấy lần, hết 62/68 Tràng Tiền, 43 Tràng Tiền, qua 10 B Đinh Công Tráng rồi cuối cùng mới “định cư” ở 11 Hàng Bông. Từ “địa vị” của một người đi kháng chiến, ông rơi vào thân phận của một người sống tự do, suýt có lần phải vào danh sách đi “xây dựng miền núi”. Song “sinh nghề tử nghiệp”, ông vẫn tiếp tục sống theo cách của mình, nhận làm đủ các việc về ảnh để nuôi gia đình. May mắn là những khi có được công việc cộng tác với các báo hoặc các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, để làm ảnh đăng báo hoặc chụp chân dung các nghệ sĩ chẳng hạn… Về phương diện này, Trần Văn Lưu thật may có được những người bạn tốt hết lòng giúp đỡ, như ông Lê Chính ở báo Văn nghệ kiếm việc cho ông, hay họa sĩ Bùi Xuân Phái giúp ông vẽ biển hiệu, cùng ông chia sẻ những nhọc nhằn của cánh nghệ sĩ sống bằng nghề nhưng không biên chế…

Điều đáng nói là ở chỗ, dù trong hoàn cảnh nào, ông vẫn sống với phong cách và tâm hồn của một nghệ sĩ, thêm nữa, một người có nền tảng “Tây học” hấp thu từ thời Pháp. Giao du với bạn bè, tiếp đãi bạn bè, tặng ảnh thời kháng chiến cho các văn nghệ sĩ hoặc gia đình khi họ không còn, viết bài bằng tiếng Pháp cho báo chí nước ngoài, gửi tác phẩm dự thi tại các cuộc thi quốc tế… là những gì làm nên cuộc sống của ông những năm tháng này. Hàng loạt bài đăng trên tạp chí La Pologne của Ba Lan đã cho ông vinh dự được nhận danh hiệu “Người bạn của Ba Lan” (Amicus Poloniae). Năm 2000, khi đã 83 tuổi, Trần Văn Lưu còn đủ “thính” để biết về cuộc thi ảnh do tạp chí Réponses Photo của Pháp tổ chức; còn đủ tự tin để tham gia bằng bức ảnh chụp ông Thế Lữ đang hóa trang trước khi vào vai diễn từ hơn năm mươi năm trước để rồi được giải Nhì…

Đặc biệt, là một người lạc quan, cho đến lúc cuối đời ông vẫn nuôi hi vọng cuốn sách ảnh về văn nghệ kháng chiến của mình sẽ có lúc được ra đời. Ngày ngày, ông vẫn cặm cụi soạn sẵn các phim, ảnh cho cuốn sách tương lai cho đến khi không còn gắng gượng được nữa… (Xem các mục trong phần “Để có một cái nhìn toàn cảnh về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu”.)

Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu qua đời một ngày tháng 2 năm 2003, thọ 86 tuổi. Ông ra đi không vướng bận điều gì, chỉ dặn bảo con cháu giữ cho bằng được chiếc thùng đựng toàn bộ số phim, ảnh của ông, dẫu không biết bao giờ chúng mới được dùng vào cuốn sách. Ông cũng không biết rằng vài năm sau, nhờ con cháu làm đơn từ đề nghị, ông mới được truy tặng tấm Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, khi người ta đã chuyển sang xét tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ từ lâu rồi. Ông cũng đâu có biết, dịp Tết năm Ất Dậu 2005, nhạc sĩ Phạm Duy mà ông từng chụp hình hồi kháng chiến, nghe nói về bộ ảnh “hơn ba trăm bức” của ông, đã tìm đến 11 Hàng Bông đề nghị gia đình cho xem. Cảm động, thậm chí có thể nói là bàng hoàng trước một di sản như thế, người nhạc sĩ tài danh đã để lại những dòng bút tích khó có thể nồng nhiệt hơn: “… đúng vào ngày 30 Tết, tôi được gặp gia đình cụ Trần Văn Lưu và được coi 300 bức ảnh cụ chụp vào những năm 1946-1954, ghi lại thời kỳ kháng chiến với nhiều bức hình vô cùng quý giá, nhất là với hầu hết các bộ mặt văn nghệ sĩ đi chiến đấu vào lúc tuổi họ còn xanh mướt. Giờ thì trong số văn nghệ sĩ tiền tiến đó, chỉ còn vài ba người còn sống, nhưng những bức hình mà cụ Lưu đã ghi lại qua ống kính đó sẽ làm cho họ bất tử…”

Và ta cũng có thể nói thế lắm chứ, chính nh��ng bức ảnh ấy cũng khiến nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu sống mãi. Chẳng phải ông cũng từng là một nghệ sĩ dấn thân vào cuộc kháng chiến, tham gia đánh giặc bằng vũ khí văn nghệ khi hãy còn đầu xanh tuổi trẻ đó sao?!