cart.general.title

HỌA SĨ NGÔ MẠNH QUỲNH VÀ NHỮNG CUỐN SÁCH XƯA KHÔNG CŨ

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942, họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh thuộc lứa họa sĩ “tây học” đầu tiên của nước ta. Ngoài những tác phẩm sơn mài, tranh lụa… đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại, ông còn là người đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực – không riêng với nghệ thuật tạo hình: minh họa sách, báo, làm báo, vẽ truyện tranh, áp phích, làm văn hóa phẩm, thậm chí cả làm… con rối và biểu diễn múa rối! Nhưng có lẽ, ông được biết đến nhiều nhất với danh hiệu “họa sĩ của tuổi thơ”.

Bốn cuốn sách họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh vẽ minh họa, được tái xuất sau bảy thập niên có lẻ.

Danh hiệu đẹp đẽ và cao quý này Ngô Mạnh Quỳnh có được, trước nhất bởi những cuốn sách ông minh họa từ trước Cách mạng: những đồng dao, những truyện, những trò chơi dành cho trẻ em, và đặc biệt, những câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine. Đó là những bài thơ được dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh chuyển ngữ rất tự nhiên, hóm hỉnh, càng được tôn thêm chất hài hước, dân dã nhờ các nét vẽ đầy bản sắc của họa sĩ họ Ngô. Bảo đó là những truyện ngụ ngôn của nước ngoài được dịch ra và minh họa quá tài tình cũng được. Mà bảo đó là những báu vật chung của nhân loại, được người Việt sáng tạo lại bằng âm điệu và nét vẽ của chính mình thì cũng chẳng sai. Thậm chí, cách nói sau còn có phần đúng hơn, vì các tranh vẽ của Ngô Mạnh Quỳnh không hẳn chỉ là hình ảnh minh họa cho các truyện ngụ ngôn ông Vĩnh dịch, mà còn là những sáng tạo “gia tăng” cho câu chuyện. Theo như nhà thơ Vũ Đình Liên, bạn thân của hai ông Trần Văn Lưu và Ngô Huy Quỳnh, thì vào thời bấy giờ, “học sinh thuộc La Fontaine một phần cũng nhờ những minh họa của anh [Ngô Mạnh Quỳnh] cho tập ngụ ngôn này”. 

Vậy mà, suốt một thời gian dài, các cuốn sách nổi tiếng một thời, từng được in đi in lại nhờ các bức vẽ “dẫn dụ” của Ngô Mạnh Quỳnh, vắng bóng trên thị trường sách Việt. Phải đợi đến năm 2017, đúng một trăm năm sinh ông, “vỉa quặng” Ngô Mạnh Quỳnh mới bắt đầu hé lộ. Và cứ thế, nguồn “tài nguyên” tiếp tục được khơi đào. Từ Thơ ngụ ngôn La Fontaine, qua Qui li ve [Gulliver] du kí,  đến Lên tám, Trẻ con hát trẻ con chơi lần được xuất bản để đến với bạn đọc trẻ thế kỉ 21. 

Có thể với thời gian, nhiều thứ đã thay đổi, kể cả chất liệu, khổ sách… cũng phải khác đi cho phù hợp với bạn đọc hôm nay. Nhưng những nét vẽ của họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh khi xưa thì đều được giữ trung thành đến mức tối đa, sao cho đúng nhất với tinh thần tác giả. Đó chính là mong muốn, tâm niệm của các cán bộ biên tập, trình bày, chế bản của Nhà xuất bản Kim Đồng, những người làm sách có vinh dự và trách nhiệm để cho những cuốn sách của tiền nhân được tiếp nối sự hiện hữu ở đời…