cart.general.title

Đem Trường Sa về thế giới tuổi thơ

Truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” (Nhà xuất bản Kim Đồng 2021) của nhà văn Bùi Tiểu Quyên là một trong hai tác phẩm viết cho thiếu nhi, vừa được nhận Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5. Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm, Bùi Tiểu Quyên mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi tình yêu Trường Sa và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc qua những trang viết sinh động, hấp dẫn...

Từ cái duyên với Trường Sa

Phóng viên (PV): Chúc mừng chị vừa được nhận Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5 cho cuốn “Cà Nóng chu du Trường Sa”! Nghe tựa sách đã thấy hấp dẫn rồi! “Cà nóng” thì chắc là ngon hơn “cà nguội”, nhỉ?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Cảm ơn anh! “Nóng” thì tất nhiên là ngon hơn “nguội” rồi (cười), nhưng thật ra chữ “nóng” trong tên Cà Nóng không liên quan đến việc “nguội” hay “nóng” như mọi người vẫn nói vui, mà đó là tên Việt hóa của máy ảnh Canon. Nhân vật là một chiếc máy ảnh theo cô chủ đi Trường Sa, cùng nhóm bạn là Ni, So, Meica và bác Tê Lê... cũng đều là tên được đặt theo cách gọi của các dòng máy ảnh, ống kính máy ảnh. Tôi không muốn đặt các tên khác hơn vì nghĩ đi nghĩ lại, thấy cái tên Cà Nóng khá dễ thương, có sức gợi với tuổi nhỏ. Và có lẽ đó cũng là cái tên phù hợp nhất với tác phẩm.

"Cà Nóng chu du Trường sa" đoạt Giải C Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 (2022) (Ảnh: NXB Kim Đồng)

PV: Hóa thân thành chiếc máy ảnh kể chuyện Trường Sa, Cà Nóng đã mang về cho các bạn nhỏ những gì trong chuyến chu du ấy?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi muốn qua lăng kính của một chiếc máy ảnh, kể với bạn nhỏ những câu chuyện về nơi đầu sóng. Cà Nóng cùng nhóm bạn đã lên con tàu KN290 của Cục kiểm ngư Việt Nam để tham gia hải trình đến với huyện đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Có rất nhiều hình ảnh, câu chuyện được khai thác từ chất liệu có thật trong chuyến đi, trên các điểm đảo. Nhưng cũng có không ít chi tiết là hư cấu để câu chuyện sinh động, hài hước, phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Cà Nóng mang về những điều mắt thấy tai nghe từ những đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn DK1. Đó là chuyện về những cây phong ba, bàng vuông trên đảo, cuộc sống của các chiến sĩ và nhân dân cùng các em nhỏ Trường Sa; về những ước mơ, khát vọng, niềm tin và hy vọng, những lý tưởng và hoài bão về sứ mệnh của mỗi người trong cuộc đời... Đặc biệt là về tình yêu thiết tha dành cho quê hương, đất nước, với biển, đảo của Tổ quốc mình...

PV: Viết cho thiếu nhi là tình yêu nhưng cũng là thách thức lớn của nhà văn. Điều gì khiến chị dấn thân vào văn học thiếu nhi?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Cà Nóng chu du Trường Sa” là tác phẩm thiếu nhi đầu tay của tôi. Những tác phẩm trước là tản văn, truyện ngắn tôi viết cho bạn đọc tuổi trưởng thành. Với văn chương, tôi nghĩ cũng giống như cuộc đời của mỗi người, rằng vạn sự đều là do duyên. “Cà Nóng chu du Trường Sa” không phải là một câu chuyện từng có trong những ấp ủ của tôi đối với văn chương, nhưng tác phẩm đã đến một cách đầy hữu duyên như hải trình Trường Sa của tôi vậy. Cho đến khi trải qua những ngày ý nghĩa nơi đầu sóng với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, tôi mới cảm thấy rằng những điều tôi trải qua, chứng kiến và cảm nhận được, thì cần phải viết một cuốn sách cho thiếu nhi. Bởi vì nếu không viết ra, đối với tôi sẽ mãi là niềm tiếc nuối và day dứt với câu hỏi: "Vì sao mình không viết?".

Tình yêu và lòng biết ơn

PV: Chị đã thực hiện ý định và ý tưởng cho cuốn sách như thế nào? Đọc sách, tôi có cảm giác chị viết rất mượt, không gặp một trở ngại nào?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Triển khai ý tưởng hay nói cách khác viết như thế nào là một cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tôi muốn viết cho các bạn nhỏ vì tôi biết chắc rằng, người lớn, rất nhiều người lớn đã có cơ hội đi Trường Sa và ít nhiều đều có hiểu biết về Trường Sa. Còn trẻ em thì vẫn chưa có nhiều tác phẩm viết về Trường Sa nói riêng hay biển, đảo nói chung dành cho các em. Tôi luôn hiểu rằng, viết cho trẻ con rất khó nên trước đó vẫn chưa dám viết khi bản thân cảm thấy chưa tìm được câu chuyện và phương thức tiếp cận phù hợp. Với Trường Sa thì khác. Cảm xúc trong lòng tôi cứ đầy lên mỗi ngày khi nghĩ về những điều mình sẽ viết. Thời gian hoàn thành bản thảo, có nhiều lúc tôi rưng rưng khi viết những chi tiết cảm động về các chiến sĩ, cũng có khi bật cười vì sự hài hước của các nhân vật. Dù đó là những trang viết do chính mình tạo ra nhưng khi chính mình cũng đang “sống” cùng với các nhân vật của mình, khóc cười và yêu thương thì tôi tin, bạn đọc của tôi cũng sẽ cùng trải qua những cảm xúc như vậy...

Tác giả Bùi Tiểu Quyên tại  Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 (2022) (Ảnh: NXB Kim Đồng)

PV: Thoạt nghe, thấy bạn Cà Nóng này cũng thích ngao du như bạn Dế Mèn của cụ Tô Hoài! Có mối liên hệ nào giữa Cà Nóng và Dế Mèn không, thưa chị?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi không dám nghĩ như thế, cũng không dám có ý so sánh trải nghiệm phiêu lưu của Cà Nóng và “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Và cũng không có mối liên hệ nào giữa Cà Nóng và Dế Mèn. Đó là hai cuộc phiêu lưu rất khác nhau, về mọi thứ. Đối với “Cà Nóng chu du Trường Sa”, nhân vật máy ảnh thật ra là thay tác giả để kể chuyện cho các bạn nhỏ nghe về hành trình ý nghĩa đến với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Và vì hải trình luôn là những ngày di chuyển trên biển để đến các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Sơn Ca, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/21... nên câu chuyện của Cà Nóng cũng là cuộc phiêu lưu, khám phá các điểm đảo, nhà giàn và những bí ẩn kỳ thú giữa biển khơi...

PV: Lần đầu chạm ngõ văn học thiếu nhi đã có tác phẩm ấn tượng về Trường Sa, được nhận Giải thưởng Sách quốc gia, có thể nói đó là sự thành công bước đầu rất có ý nghĩa. Để vững chân hơn trên đường dài, chị có thần tượng hay ảnh hưởng phong cách của nhà văn nào không?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Công việc làm báo, phụ trách lĩnh vực văn hóa, văn học cho tôi cơ hội đọc rất nhiều tác phẩm hay của các nhà văn trong và ngoài nước. Tôi yêu mến những tác phẩm đó và yêu quý các nhà văn bình đẳng, trân trọng mọi lao động sáng tạo của người cầm bút. Nhưng văn chương là con đường riêng của mỗi người và chính họ phải tự tìm lối cho mình trên hành trình đơn độc đó.

PV: Vừa làm báo, vừa viết văn, sự tương tác giữa hai lĩnh vực này trong con người Bùi Tiểu Quyên thế nào nhỉ?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Nghề báo cho tôi rất nhiều cơ hội để gặp gỡ các nhân vật hay, đi được nhiều nơi, đọc được nhiều tài liệu. Điều đó cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc tích lũy trải nghiệm, tìm kiếm chất liệu và chắt lọc những giá trị cần thiết cho văn chương. Ngược lại, chất văn trong những sản phẩm báo chí của tôi rất đậm nét. Công việc thuộc lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật cũng không quá xa rời văn chương. Tôi nghĩ sự song hành đó cũng là sự bổ trợ.

Đôi khi cũng khá mâu thuẫn khi công việc làm báo cần gắn liền với những vấn đề thời sự, những sự kiện đông người; còn văn chương lại là hành trình thầm lặng của người viết, cần sự yên tĩnh và càng cần một độ lùi thời gian cho những giá trị chắt lọc. Nhưng làm nghề cũng lâu rồi, đã mười mấy năm, tôi tìm được cách cân bằng giữa công việc chuyên môn và sự nghiệp văn chương của mình. Nhiều người vẫn nghĩ rằng viết văn là luôn mơ mộng, thiếu thực tế nhưng tôi lại thấy mình... tỉnh táo, dù nhìn tôi, ít ai tin điều này (cười). Lúc nào cần thực tế để làm nghề nghiêm túc, chuyên nghiệp, trách nhiệm và lúc nào cần mơ mộng, tư duy, nghĩ ngợi và cảm xúc nhiều để sáng tác. Bản thân tôi cũng rất may mắn khi được công tác ở những cơ quan báo chí, nơi mà đồng nghiệp đều thương mến, đều chia sẻ với sự nghiệp riêng ngoài công việc của tôi, để tôi tự do với khoảng trời của riêng mình. Đó là điều tôi luôn cảm thấy may mắn và biết ơn. Có một công việc để làm là hạnh phúc, nhưng làm được những điều mình muốn làm, lại hạnh phúc hơn nữa. Cho nên đôi khi, tôi thấy mình đã làm rất nhiều việc nhưng lúc nào cũng đủ năng lượng cho tất cả. Vì tôi yêu những việc mình làm và biết ơn vì mọi điều mình nhận được trong cuộc đời.

PV: Một chút chia sẻ về bản thân và những dự định sắp tới của chị?

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi quê ở Long An, hiện công tác tại Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, đã xuất bản được 8 cuốn sách và đây là lần thứ hai được nhận giải thưởng văn học. “Cà Nóng chu du Trường Sa” đã đến như một duyên may, nhưng tác phẩm cũng cho tôi thấy sự lựa chọn trong hành trình tiếp theo của mình với văn chương. Đó là vẫn còn những đề tài, câu chuyện ấp ủ viết cho trẻ nhỏ. Ít khi nào tôi có thể nói trước về những điều mình sẽ viết, chỉ có thể chia sẻ được rằng tôi đang viết tác phẩm mới, đã hoàn thành một nửa bản thảo và cũng là truyện dài cho thiếu nhi.

Tôi luôn nghĩ, mỗi cuốn sách cũng có số phận của riêng nó cho nên viết, hoàn thành, ra mắt lúc nào cũng giống như hành trình của đời người vậy, cần sự “hữu duyên” và “đúng thời điểm”. Văn chương là con đường mà, chúng ta vốn dĩ không thể và không nên nói trước được điều gì (cười).

PV: Cảm ơn chị và mong sớm được đón đọc tác phẩm mới của chị!

Nguồn: QĐND