cart.general.title

'Kính vạn hoa' theo năm tháng (kỳ 2): Từ khởi đầu đến những bước ngoặt của Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh viết bộ Kính vạn hoa miệt mài, cặm cụi với tâm niệm: "Viết như một con ong, như một con tằm. Con ong làm mật, con tằm nhả tơ". Và thành quả của Kính vạn hoa không chỉ dừng lại ở những kỷ lục xuất bản, mà hơn hết, là một dấu son trong sự nghiệp của nhà văn, là minh chứng cho sự sống dậy của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Không chỉ tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, Kính vạn hoa đồng thời cũng tạo nên bước ngoặt trong thực tế sáng tác cho thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam giai đoạn những năm 1990.

Từ cú hích "Tứ quái TKKG"

Trước khi viết bộ Kính vạn hoa, Nguyễn Nhật Ánh không nghĩ sẽ viết một bộ truyện liên hoàn dài tập. Nguồn cơn để nhà văn bắt tay vào viết Kính vạn hoa là vào thời điểm NXB Kim Đồng chuẩn bị in bộ truyện trinh thám trẻ em Tứ quái TKKG của nhà văn Rolf Kalmuczak, người Đức. Vào thời điểm chuẩn bị ra mắt, Tứ quái TKKG đã được dịch giả Vũ Hương Giang (con gái nhà văn Vũ Tú Nam) dịch một số tập.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) và nhà văn Lê Phương Liên tại buổi giao lưu kỷ niệm 25 năm “Kính vạn hoa” do NXB Kim Đồng tổ chức vào cuối năm 2020

Đáng nói, NXB Kim Đồng muốn dựa trên bản dịch của dịch giả Vũ Hương Giang để viết lại một bộ truyện Tứ quái TKKG theo văn phong gần gũi với tuổi học trò Việt Nam, để tăng tính phổ biến cho tác phẩm. Tác giả mà NXB Kim Đồng "nhắm đến" để thực hiện việc này chính là Nguyễn Nhật Ánh.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi NXB Kim Đồng đặt vấn đề viết lại khoảng 70 tập bộ truyện Tứ quái TKKG theo bản dịch, với yêu cầu mỗi tuần phải xong bản thảo 1 tập, ông băn khoăn: "Một năm có 52 tuần, nếu nhận viết bộ truyện này sẽ mất khoảng 1 năm rưỡi, tức là để hoàn thành yêu cầu tôi sẽ không có thời gian để viết truyện của mình".

Trong trạng thái phân vân, Nguyễn Nhật Ánh đã giới thiệu cho NXB Kim Đồng 4 nhà văn khác đang ở độ tuổi sung sức và có sự gắn bó với đề tài viết cho thiếu nhi là Bùi Chí Vinh, Đoàn Thạch Điền, Lý Lan và Võ Phi Hùng. Cuối cùng NXB Kim Đồng đã chọn Bùi Chí Vinh để làm bộ Tứ quái TKKG. Sau khi ra mắt, Tứ quái TKKG đã rất thành công.

Bản thảo đầu tiên của “Kính vạn hoa” bằng chữ đánh máy

Sự thành công của Tứ quái TKKG được xem như "cú hích" để Kính vạn hoa bắt đầu. "Khi không nhận lời mời của NXB Kim Đồng, tôi đã rất áy náy và tôi đã hứa với NXB Kim Đồng sẽ làm một bộ truyện do tự tôi sáng tác. Từ lời hứa đó, NXB Kim Đồng thường xuyên nhắc nhở và tôi phải thực hiện lời hứa. Tôi nấn ná, "hoãn binh" được khoảng 2 năm, sau đó tôi bắt tay viết" - Nguyễn Nhật Ánh kể.

"Viết Kính vạn hoa là trường hợp chưa từng có tiền lệ. Sự thành công của bộ Tứ quái TKKG là bộ truyện chuyên về phá án, không phải là dự báo đáng tin cậy cho bộ Kính vạn hoa, vốn là bộ truyện dựa trên hiện thực hoàn toàn khác".

"Hơn thế, Kính vạn hoa là cuộc viết dài hơi, vừa là sự nỗ lực, vừa là sự liều lĩnh. Khi nhận lời làm bộ Kính vạn hoa, bắt đầu đưa bản thảo tập 1 cho NXB Kim Đồng, tôi đã tự đặt mình vào tình thế hiểm nghèo của nghề viết. Dù có khó khăn, áp lực, tôi cũng phải đeo đuổi bộ truyện đến cùng".

Bộ truyện “Tứ quái TKKG” là cảm hứng để Nguyễn Nhật Ánh viết “Kính vạn hoa”

Bản thân nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng như phía NXB Kim Đồng ở giai đoạn đầu của Kính vạn hoa chỉ mong viết được 10 tập là đã có thể thỏa mãn. Sự thỏa mãn đó được bộc lộ qua cảm xúc của ông Nguyễn Thắng Vu - nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng, người vô cùng tâm huyết với bộ truyện Kính vạn hoa. Nguyễn Nhật Ánh nhớ lại: "Khi Kính vạn hoa in tập thứ 10, ông Nguyễn Thắng Vu không giấu được niềm vui. Ông đã đóng những hộp nhựa cứng trong suốt đựng vừa vặn 10 tập và trưng bày ở vị trí trang trọng nhất ở nhà xuất bản, giống như kết thúc một công trình to lớn".

"Khi nhận lời làm bộ Kính vạn hoa, bắt đầu đưa bản thảo tập một cho NXB Kim Đồng, tôi đã tự đặt mình vào tình thế hiểm nghèo của nghề viết. Dù có khó khăn, áp lực, tôi cũng phải đeo đuổi bộ truyện đến cùng" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Cho đến những bước ngoặt

Theo nhà văn Lê Phương Liên, "Từ một tác giả sáng tác bình thường như bao tác giả khác, sau sự thành công của Kính vạn hoa, hết sức tự nhiên, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của văn học thiếu nhi Việt Nam. Nguyễn Nhật Ánh lao động một cách chuyên nghiệp, mỗi tập 10 chương với 192 trang, nhưng có thể thực hiện suốt 45 tập, đó là sự rèn luyện việc viết như cách làm của các tác giả lớn trên thế giới".

"Bộ sách Kính vạn hoa đã giúp Nguyễn Nhật Ánh bước lên một thời kỳ hoàn toàn mới. Không phủ nhận rằng, chính nhờ việc luyện tập nghề viết qua Kính vạn hoa mà sau này Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục có những thành công với nhiều tác phẩm mới như Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua...".

Ấn phẩm đặc biệt “Kính vạn hoa” theo bản in đầu tiên năm 1995 của NXB Kim Đồng

Đồng quan điểm, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng: "Bộ sách Kính vạn hoa đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. Có thể trước đó, chính nhà văn cũng không tưởng tượng ra sự nghiệp viết cho thiếu nhi của mình. Từ năm 1985, Nguyễn Nhật Ánh đã viết cho thiếu nhi, tuy nhiên những tập truyện đó chưa đủ sức để kích thích như một cú hích, thậm chí là gây áp lực để tiếp tục sáng tác, để nhà văn nhận thấy rằng, đây chính là con đường của mình, đây chính là sự nghiệp của mình. Và Kính vạn hoa đã làm được điều này".

Thập niên 1990, trước sự xâm nhập của sách dịch, sách ngoại văn, thì Kính vạn hoa là một minh chứng rằng nhà văn Việt Nam có thể viết được những tác phẩm khiến độc giả say mê không kém gì những nhà văn nổi tiếng trên thế giới. Kể cả khi thị trường sách có thêm những bộ truyện lớn như Harry Potter, thì sự chờ đợi của độc giả với sách ngoại văn, sách dịch hoặc các tập mới của Kính vạn hoa cũng đều tương đương nhau.

Nói về sự đón đợi "cuồng nhiệt" Kính vạn hoa, TS Nguyễn Thụy Anh minh chứng: "Bạn tôi, một nhà văn, kể rằng, hồi nhỏ, mỗi tuần đều chờ đợi 1 tập Kính vạn hoa mới. Và khi có sách, không thể kiềm chế được sự nôn nóng, bạn tôi vừa đạp xe đạp vừa đọc. Sự mong đợi hồn nhiên của những đứa trẻ đã khuyến khích nhà văn tiếp tục viết. Nhìn từ Kính vạn hoa, có thể cho rằng, bộ sách đã tạo ra một dấu mốc cho văn học thiếu nhi của Việt Nam, đặc biệt là văn học thiếu nhi thời hiện đại".

Xem việc biên tập bộ sách Kính vạn hoa là một kỷ niệm lớn trong đời, là một việc làm cho ý nghĩa, nhà văn Lê Phương Liên bày tỏ: "Bộ sách Kính vạn hoa đã chứng tỏ một điều rằng nhà văn trong nước có thể thu hút độc giả thiếu nhi bằng các tác phẩm Việt Nam. Đó là những câu chuyện hoàn toàn Việt Nam, rất gần gũi với trẻ em Việt Nam. Sự thành công của Kính vạn hoa thể hiện sức sống của văn học thiếu nhi trong thời kỳ đổi mới. Bộ sách đã hoàn thành sứ mệnh đổi mới văn học thiếu nhi Việt Nam".

Có một Nguyễn Nhật Ánh…tư vấn tình yêu

Sinh 1955 tại Quảng Nam. Từ 1973, sống tại Sài Gòn. Tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1976, sau đó đi Thanh niên xung phong, phụ trách CLB Thiếu nhi và dạy học. Từ 1986 là phóng viên báo Sài Gòn giải phóng.

Bên cạnh hàng chục đầu sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên,hơn 30 tập truyện tranh, khoảng 15 kịch bản phim, nhiều tập tản văn và bình luận thể thao, Nguyễn Nhật Ánh còn in hơn 50 tập tư vấn tình yêu dưới các bút danh khác nhau.

Nguồn: thethaovanhoa.vn