cart.general.title

Để trẻ em thấy mình trong các nhân vật

Với một số tác phẩm đáng chú ý, như Trên đồi, mở mắt và mơ, Bên suối, bịt tai nghe gió,... Văn Thành Lê, hiện công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, đang chứng tỏ mình là cây bút sung sức trong dòng văn học thiếu nhi. Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh về những chuyển động trong sáng tác văn học dành cho độc giả nhỏ tuổi hiện nay.

Nhà văn Văn Thành Lê giao lưu với bạn đọc thiếu nhi. Ảnh: NVCC

Học được nhiều điều từ trẻ em

- Anh viết truyện thiếu nhi, đạt giải, lại thường xuyên nói chuyện với học sinh các trường về văn học, tình yêu sách, phải chăng anh ưu ái và rất có duyên với các em nhỏ?

- Tôi nghĩ có duyên hay không, phải các em trả lời mới khách quan và chính xác được.

Trong vài năm qua, Nhà xuất bản của chúng tôi thực hiện chương trình Cùng trang sách bước đến tương lai tại hơn 100 trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền đông, miền Tây Nam Bộ. Lúc mới tham gia, tôi khá e dè, bởi tôi vẫn giữ quan niệm: Người viết nên đứng sau những con chữ của mình, để tác phẩm "cất lời" là đủ. Nhưng rồi vì nhiệm vụ, tôi đã làm và may mắn được các em đón nhận. Tôi thấy mình ngày bé trong mắt các em và học được ở các em nhiều điều. Tôi vui hơn khi sách được tái bản và được các em chào đón mỗi khi có dịp gặp lại.

- Từ thực tiễn công việc, anh nhận xét thế nào về cách mà trẻ em ngày nay đón nhận sách văn học trong khi các kênh giải trí vô cùng hấp dẫn thị giác luôn bao vây quanh các em, chưa kể sự quá tải trong việc học ở nhà trường?

- Bây giờ, sách văn học không còn ở vị trí độc tôn như với thế hệ chúng tôi trở về trước nhưng giá trị của văn học đối với đời sống con người nói chung, với trẻ em nói riêng, tôi nghĩ là vẫn được bảo toàn. Xét đến cùng, tuổi thơ ở thế hệ nào cũng đều gặp nhau ở sự hồn nhiên, tinh khôi đến tinh khiết và tinh nghịch đến tinh quái. Vì vậy, trước hết hãy để trẻ em thấy mình trong các nhân vật, nhân vật nói đúng tiếng nói của các em, hồn nhiên nghĩ suy đúng với tuổi mình, không "lên gân lên cốt". Đừng bắt các em phải diễn, cũng như đừng diễn trước các em. Lấy lòng người lớn có thể bằng cách này hay cách khác, nhưng với trẻ con, phải thật sự hiểu, thật sự đặt mình vào chính các em thì mới bắt được sóng, mới dò đúng tần số, khi đó mới mong các em đón nhận mình.

- Thực tế lâu nay, chúng ta có nhiều tác giả xuất bản sách thiếu nhi nhưng không ít ý kiến cho rằng, đó chỉ là việc "tay ngang", họ chủ yếu được biết đến bởi sáng tác cho người lớn?

- Nếu nhìn lại văn học thiếu nhi trong nước, có lẽ chỉ số ít cây bút thuộc thế hệ đầu tiên, như: Võ Quảng, Vũ Hùng, Trần Hoài Dương, Định Hải, Phong Thu… là chuyên tâm viết cho thiếu nhi. Còn những tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký, Những ngày thơ ấu, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đất rừng phương Nam, Cái tết của mèo con, Tuổi thơ dữ dội, Dòng sông thơ ấu, Miền thơ ấu, Hành trình ngày thơ ấu,… đều thành danh với những sáng tác cho người lớn và viết cho người lớn nhiều chứ. Hay như Xuân Quỳnh, Nguyễn Hoàng Sơn, Vương Trọng, Đặng Hấn, Trần Đức Tiến, Trần Quốc Toàn, Quế Hương, Lý Lan, Cao Xuân Sơn… có thành tựu nhất định với văn học thiếu nhi, nhưng viết cho người lớn vẫn nhiều hơn. Kể cả với Nguyễn Nhật Ánh - "hoàng tử bé" của các em, số lượng sáng tác cho tuổi mới lớn của ông vẫn chiếm số áp đảo. Vậy nên, chuyện "tay ngang" hay không không quan trọng. Quan trọng là nhìn vào tác phẩm. Chỉ cần mỗi nhà văn đóng góp một tác phẩm được đông đảo "bạn đọc nhí" đón nhận, vườn văn học thiếu nhi đã sum suê trĩu quả.

- Lại có ý kiến cho rằng, do nhu cầu đọc của các em giảm nên mảng văn học thiếu nhi chưa thu hút thật nhiều cây bút?

- Nói chung, nhu cầu đọc của người Việt chưa bao giờ cao, nên nói lý do việc đọc ở các em giảm là không thuyết phục. Thực tế, chưa bao giờ sách cho thiếu nhi được đầu tư nhiều như hiện nay. Sách đa dạng, phong phú về nội dung, cả viết và dịch, lại được chăm chút về mỹ thuật, công nghệ in ấn. Nhiều đơn vị trước đây không làm sách thiếu nhi, giờ đã "lấn sân" hướng đến các em. Vài năm gần đây, vấn đề khuyến đọc được đẩy mạnh, đặc biệt là với lứa tuổi học đường. Nhiều cơ quan, cha mẹ học sinh vẫn đang cố gắng kéo thêm nhiều trẻ em đến với sách.

Sự thật là viết cho thiếu nhi không dễ. Việc tìm lại tuổi thơ, nắm bắt tâm lý trẻ thơ, nói giọng trẻ em, không phải ai cũng làm tốt. Khá nhiều nhà văn thành danh, tên tuổi, thử "xin một vé đi tuổi thơ", nhưng rồi đi lạc ga, vì không hiểu tâm lý con trẻ ngày nay. Nếu viết mà đưa vào suy nghĩ của người lớn, hoặc tâm lý trẻ ngày xưa áp vào tâm lý trẻ bây giờ thì tác phẩm rất dễ bị bỏ rơi. Chưa kể, có cả khoảng thời gian rất dài, văn học thiếu nhi không được ghi nhận, cổ vũ đúng mức từ chính bản thân người viết, giới phê bình và các hội đoàn văn chương.

Hy vọng những mùa quả mới

- Quan sát thị trường sách, chúng tôi thấy, sách văn học nước ngoài được dịch và in rất nhiều ở nước ta, có phần lấn lướt sáng tác văn học trong nước. Còn với sách dành cho trẻ em thì sao?

- Không chỉ sách văn học dành cho người lớn mà cả sách cho trẻ em của chúng ta cũng chung cảnh "lép vế" trước dòng sách dịch. Điều này không có gì bất thường. Chúng ta đi sau các nước phát triển nhiều thứ, trong đó có văn học. Chưa kể, những tác phẩm được dịch đều có chỗ đứng nhất định ở các nước, được xem là "tinh hoa" của họ, chứ không phải những tác phẩm làng nhàng. Nhưng điều văn học dịch không có được là phong vị, không gian, tinh thần Việt thấm đẫm trong từng câu chữ của văn học thiếu nhi trong nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn trẻ thơ. Vì vậy, những tác phẩm văn học thiếu nhi có chất lượng nội dung và thẩm mỹ phù hợp vẫn sẽ có vị thế nhất định trong lòng các em.

- Thực tế đã có chương trình "khuyến đọc" thì cũng nên có chương trình "khuyến viết", hoặc có chiến lược bồi dưỡng tác giả, đặc biệt là tác giả nhỏ tuổi để trở thành cây viết cho trẻ em trong tương lai, phải không anh?

- Hội Nhà văn Việt Nam đang có Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, diễn ra trong 5 năm, từ 2021-2025, Giải thưởng Dế Mèn của Báo Thể thao & Văn hóa đã bước sang năm thứ tư, trong đó có trao giải cho tác phẩm văn học thiếu nhi. Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng đã công bố Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất gắn liền với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có Giải thưởng Sách văn học thiếu nhi.

Còn chiến lược bồi dưỡng, nói thật, khoa đào tạo viết văn còn phải mở hướng ra đào tạo… báo chí thì với các em nhỏ, đào tạo bồi dưỡng càng không đơn giản. Chi bằng hãy bình tĩnh, khuyến khích, cổ vũ tự nhiên thôi, để chữ của các em tự lớn, ra hoa và đậu quả.

Văn chương là đường dài; một, hai cuốn sách được dư luận đánh giá cao chỉ là tín hiệu, lóe lên rồi tắt hay sáng tiếp còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng tôi tin rằng, càng có nhiều chương trình, sự vận động đầu tư sáng tác văn học cho thiếu nhi, tương lai của địa hạt văn chương này sẽ càng có nhiều mùa quả mới.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà văn Văn Thành Lê (sinh năm 1986) là tác giả của 16 tác phẩm gồm truyện dài, chân dung văn học, tản văn và thơ. Anh được nhận nhiều giải thưởng dành cho sáng tác về thiếu nhi, tuổi mới lớn, như giải thưởng Thơ-Báo Mực Tím, giải thơ Bút mới của Chuyên san Áo Trắng - Báo Tuổi trẻ, giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (Nhà xuất bản Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội),...

Nguồn: Nhân Dân