cart.general.title

HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN: KHU DI TÍCH KIM ĐỒNG

Ngày Chủ nhật 23/4/2023, Hội cán bộ hưu trí NXB Kim Đồng đã có cuộc hành hương trở về Khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Trên đường trở về Cao Bằng qua Thái Nguyên, Bắc Cạn, chúng tôi nhìn cảnh núi mờ núi đậm, rừng xa rừng gần mà sao gợi nhớ bao kỷ niệm những chuyến đi về thăm mộ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng từ gần 30 năm trước. Trong lòng như phảng phất giọng ca của nghệ sĩ Lê Dung hát bài “Trở lại Cao Bằng” (sáng tác Tân Huyền):

“Khi trở lại Cao Bằng qua đèo Mây, đèo Gió.
Tiếng chim hót trên cao giữa rừng già im vắng…”

Chiếc xe ô tô đi đưa hồn tôi về với quá khứ trên từng khúc quanh, từng đoạn xuống dốc… Rồi, cảm giác vượt lên đỉnh đèo cheo leo, nhìn xuống thăm thẳm vực sâu cây cối hoang vu gai góc rậm rạp đầy bí ẩn. Cảm giác rùng mình thoáng chốc. Cảnh tượng rừng núi gợi ra bức tranh thăng trầm của sự nghiệp xuất bản sách thiếu nhi trong mấy chục năm lịch sử đã qua. 

Kìa, cánh đồng lúa xanh tốt dưới chân những ngọn núi cao hiểm trở đã hiện ra. Một cảm giác no ấm dịu dàng mát mẻ đậm hương lúa xanh đang trổ đòng. Cảm giác ấy khiến mình bồn chồn nhớ về những năm sách Kim Đồng bước vào thời đổi mới. Phải rồi nếu không phải trải qua một con đường lên xuống đèo dốc quanh co thì làm sao đến được Cao Bằng? Điều này khiến tôi liên tưởng đến những thử thách khó khăn mà NXB Kim Đồng đã vượt qua, để ngày càng phát triển, để sách Kim Đồng đến tay bạn đọc ngày một nhiều hơn, hay hơn, đẹp hơn.
 Về với khu di tích Kim Đồng là chúng tôi đã đi ngược thời gian trở về với lịch sử của Nhà xuất bản Kim Đồng nơi chúng tôi gắn bó từ tuổi thanh xuân cho đến bây giờ! Thắp nén hương nơi ngôi mộ có màu vôi trắng sáng như tuổi thơ, chợt tưởng như “Kim Đồng” đã trở về trong ánh lửa hương hóa bùng lên trong gió. Đến trước mộ bà Lâm Thị Hò, chúng tôi kính cẩn dâng hương biết ơn Người đã sinh ra anh Kim Đồng bất tử. Tôi đặt cuốn sách “Câu hỏi trẻ thơ” (Tuyển tập 50 năm truyện ngắn & tản văn, NXB Kim Đồng, 2020) lên mộ Kim Đồng mà tưởng như tiếng gió thổi lật trang sách lên cho người xưa đọc. Cảm động biết bao trong giờ phút thiêng liêng chị em chúng tôi được đứng tại đất Nà Mạ như được gặp gỡ các bậc tiền nhân.

Đoàn cán bộ hưu trí NXB Kim Đồng chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Kim Đồng.

Tạm biệt thôn Nà Mạ, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bản Pắc Bó. Trong đoàn chúng tôi, nhiều người đã đến Pắc Bó hơn một lần. Nhìn cảnh vật hôm nay: suối Lê Nin, núi Các Mác vẫn bất di bất dịch mà sao cảm thấy sáng đẹp hơn xưa. Đi dọc theo suối Lê Nin, chúng tôi đến con đường dẫn tới cửa hang Cốc Bó (Đầu nguồn). Con đường dẫn tới cửa hang đã được sửa thành có bậc dễ đi cho người hành hương. Tuy vậy trèo lên núi cao vẫn là một thử thách lớn. Chỉ có số ít chị em chúng tôi là có thể đến được hang, rồi vào trong hang để tận mắt nhìn thấy nơi ở của Bác Hồ kính yêu trong những ngày đầu Người trở về tổ quốc Việt Nam năm 1941. Trên đường trở lại điểm xuất phát đầu bản Pắc Bó, chúng tôi được đi trên con đường rừng dẫn đến “Bàn đá” nơi làm việc của Bác Hồ, bên dòng suối trong vắt nước chảy róc rách. Cảm giác của tôi nơi đây là chốn tiên cảnh. Tiếng chim hót, tiếng ve kêu hòa thành một bản nhạc rừng, quyện với hương thơm của các loại hoa rừng mùa xuân đua nở ngát hương.

Năm nay, chúng tôi còn được đến với hai địa danh nổi tiếng của Cao Bằng là Động Ngườm Ngao và Thác Bản Giốc.

Động Ngườm Ngao theo tiếng Tày là động Hổ (Ngườm: động; Ngao: Hổ) nơi đây xưa có Hổ trú ngụ. Động Ngườm Ngao là một kiệt tác thiên nhiên của Cao Bằng. Chúng tôi cũng đã được đến với một số hang động nổi tiếng vậy mà đến với Động Ngườm Ngao không thể nói được hết cảm giác thán phục vẻ đẹp thiên tạo đặc sắc của nơi này. Hang động đã có lịch sử hình thành đã 300 triệu năm, được phát hiện đầu tiên năm 1921 và được tỉnh Cao Bằng đưa vào khai thác du lịch từ năm 1996. 

Đã từ lâu chúng tôi ao ước được đến với Thác Bản Giốc, một Thác lớn trong tốp 4 thác lớn trên thế giới. Thác Bản Giốc đứng ở một vị trí đặc biệt trên đường biên giới Việt - Trung. Thác có phần Thác Cao thuộc hoàn toàn nằm trên bờ nam sông Quế Sơn (Quây Sơn) nên thuộc hoàn toàn phía Việt Nam. Phần Thác thấp là thác chính nước đổ xuống sông Quế Sơn thì hiện nay cả hai nước Việt – Trung đều khai thác du lịch. Biên giới ở giữa sông. Khi chúng tôi đến Thác Bản Giốc trời đổ mưa nên chỉ có một số người đi bộ tới gần Thác và chụp ảnh, có người đi trên bè sông để tới gần thác. Cảnh Thác Bản Giốc bây giờ không có nhiều nước đổ. Do làm thủy điện ở đầu nguồn nên chỉ có nước thủy điện tháo nước mới có nước chảy. Đến Thác Bản Giốc mới có thể hiểu được việc chuyện con người với vẻ đẹp thiên tạo thiên phú cho từng đất nước thế nào. Mong sao Thác Bản Giốc và dòng sông Quế Sơn hiền hòa sẽ mãi là biên giới hòa bình hữu nghị của hai nước Việt Trung.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi trở về Công viên Vĩnh Hằng để thăm mộ bác Nguyễn Thắng Vu, người thủ trưởng yêu quý của chúng tôi. Người thuyền trưởng đầy bản lĩnh đã dẫn dắt NXB Kim Đồng tiến ra biển lớn trong thời kỳ đổi mới (1987- 2007). Với chuyến đi này chúng tôi được đến với những địa danh lịch sử linh thiêng với danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ của Cao Bằng mà còn cả của Việt Nam và thế giới. Hơn thế nữa, chúng tôi được sống trong tình cảm “Nhà Kim”, gia đình lớn thân yêu của nhiều thế hệ cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng. 

Hà Nội, 26/4/2023.
Lê Phương Liên