cart.general.title

Mùa ươm xanh văn học thiếu nhi

Với những cuộc vận động sáng tác quy mô, các giải thưởng giá trị cùng nhiều chuyến giao lưu tác giả - tác phẩm truyền cảm hứng, văn học thiếu nhi được mong đợi sẽ có thêm một mùa bội thu quả ngọt.

Nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho văn đàn từ các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi

 

“Xuyên Việt” truyền cảm hứng đọc và viết

Khởi động giải thưởng Văn học Kim Đồng lần 1 (giai đoạn 2023-2025), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã liên tục “khuấy động” không khí giải thưởng bằng những buổi gặp gỡ, giao lưu tác giả - tác phẩm tại TPHCM, Hà Nội, Đắk Lắk và gần đây nhất là về An Giang. Mỗi điểm đến đều là những cuộc hội ngộ, giao lưu ý nghĩa giữa bạn viết và bạn đọc. 
Hành trình truyền cảm hứng đọc và viết của NXB Kim Đồng một lần nữa góp phần “điểm danh” lực lượng sáng tác cho thiếu nhi tại các tỉnh, thành. Bên cạnh những nhà văn tên tuổi (là thành viên ban giám khảo của giải thưởng Văn học Kim Đồng): Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, còn có nhiều nhà văn thành danh, tạo dấu ấn với các sáng tác cho trẻ nhỏ: nhà văn Lê Phương Liên, Kim Hài, Trần Quốc Toàn, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Thuần, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa…

Văn học thiếu nhi ngày càng thu hút các nhà văn với sự hội tụ của những cây bút nhiều thế hệ: nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chuyện của anh em nhà Mem & Kya, giải B - giải thưởng Sách quốc gia năm 2021), Trung Sỹ (Thung lũng Đồng Vang), Bình Ca (Đi trốn - giải Khát vọng Dế Mèn, giải thưởng Dế Mèn lần II/2021), Nguyễn Khắc Cường (Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, Kho báu trong thành phố)… cùng các cây bút trẻ: Phát Dương, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Chí Ngoan, Lê Quang Trạng…

Kể từ những cuộc vận động sáng tác thuộc dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (giai đoạn 2005-2015), đến nay, NXB Kim Đồng mới có một cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với quy mô lớn. Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng - khoảng thời gian 10 năm đủ để một thế hệ tác giả mới được hình thành. Từ những cuộc vận động sáng tác trước đây, từng có nhiều gương mặt để lại dấu ấn: Nguyên Hương, Nguyễn Thị Bích Nga, Phương Trinh, Chu Thanh Hương, Lục Mạnh Cường… Giải thưởng lần này hy vọng cũng sẽ có một mùa bội thu quả ngọt. 

Mùa thơ thiếu nhi
Thơ thiếu nhi tiếp tục “được mùa” với nhiều tác phẩm vừa được phát hành: Hát câu đồng dao (tập thơ thiếu nhi đầu tay của nhà thơ Trần Thanh Bình, minh họa: Thuần Nhất An, NXB Hội Nhà văn), Vương quốc nhỏ bí mật (Lã Thanh Hà, Crabit Kidbooks và NXB Hà Nội). NXB Kim Đồng cũng vừa cho ra mắt bộ 3 tác phẩm: Giọt nắng cho cây (Lê Ký Thương), Sài Gòn sót mấy con ve (Trung Dũng KQĐ) và Con là ban mai (Nguyễn Hải Lý). Các tập sách đều có phần tranh minh họa sinh động, ý nghĩa, góp phần làm nên sức hút, ấn tượng cho thơ. 

Mỗi vùng đất một hương sắc

Chủ đề Những trang văn lấp lánh phù sa được đặt cho buổi giao lưu với bạn đọc An Giang (diễn ra cuối tháng Chín vừa qua) đã khái quát trọn vẹn đặc trưng văn hóa trong sáng tác của các nhà văn vùng sông nước Cửu Long. Nhà văn Lê Quang Trạng có Cá Linh đi học, Thủ lĩnh băng vịt đồng; nhà văn Nguyễn Chí Ngoan có Căn cước U Minh, Mưa miền đất mặn… Nhà văn trẻ Phát Dương dù khai thác đề tài về phép thuật (tác phẩm 100 cửa sổ) cũng bày tỏ mong muốn sẽ đưa được những nét đẹp văn hóa của miền sông nước vào các tác phẩm thể loại phiêu lưu, viễn tưởng. 

Bối cảnh cũng như những giá trị văn hóa làm nền cho câu chuyện luôn góp phần tạo sức nặng và ấn tượng rất riêng. Những tác phẩm văn học thiếu nhi có giá trị vượt thời gian cũng chính là những câu chuyện ôm chứa cả văn hóa - lịch sử của một vùng đất/một thời đoạn: Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Quê nội (Võ Quảng), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng) …

Mỗi vùng đất một hương sắc, những trang viết đẫm hồn phố cổ, về miền rẻo cao phương Bắc hay không gian văn hóa đại ngàn Tây Nguyên; phả hơi thở đô thị hay đậm đà phong vị biển, dạt dào sông nước phù sa… Tất cả đều đang chờ những cuộc khám phá/tái khám phá của các cây bút khắp mọi miền đất nước. Đề tài trong văn học thiếu nhi hiện nay có thể được nhìn thấy ở những khía cạnh phổ biến: truyện viết từ ký ức tuổi thơ của nhà văn, về loài vật/đồ vật; có yếu tố viễn tưởng, kỳ ảo hoặc khai thác từ chất liệu đời sống thường ngày. Lực lượng viết gồm các nhà văn, cây bút trẻ lẫn các tác giả là phụ huynh. Sự đa dạng trong đề tài, thể loại và những góc nhìn, trải nghiệm của riêng mỗi người viết cùng vun đắp nên khu vườn đầy màu sắc cho văn học thiếu nhi. 

Những cuộc vận động sáng tác, những giải thưởng văn chương có giá trị luôn là niềm khích lệ lớn đối với người cầm bút. Qua các mùa giải/các đợt vận động, văn học thiếu nhi đều có được những tác phẩm hay cho trẻ nhỏ. Trong Tủ sách tác phẩm đoạt giải thưởng Vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng là những tác phẩm: Bỏ trốn (Nguyễn Thị Thanh Nhàn), Khúc đồng dao lấm láp (Kao Sơn), Những tấm lòng yêu thương (Hoàng Bình Trọng), Những vì sao trong mơ (Nguyễn Ngọc Minh Hoa), Một thiên nằm mộng (Nguyễn Ngọc Thuần)… Nhiều gương mặt được trao giải, có tác phẩm tạo dấu ấn tại những cuộc vận động/các giải thưởng văn chương, dù có thể không đi tiếp hành trình với văn học thiếu nhi, đã cùng để lại những giá trị cho văn đàn. 

Nguồn: Phụ Nữ Online