cart.general.title

Ăn cắp ảnh sách thật để quảng cáo, bán sách giả tràn lan

Nhiều nơi bán sách giả trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ngang nhiên lấy ảnh chụp sách thật của các đơn vị, cá nhân cho mục đích quảng cáo, "treo đầu dê bán thịt chó".

Ảnh của anh Nguyễn Tuấn Bình chụp (trái) bị nhiều trang bán tự ý sử dụng.

Chia sẻ với Znews - Tri thức ngày 21/2, anh Nguyễn Tuấn Bình (chủ hiệu sách Bình Bán Book) cho biết khoảng 1 năm nay, anh phát hiện nhiều ảnh chụp sách của mình bị các trang bán hàng giả tự ý sử dụng để minh họa khi bán hàng, khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn.

"Các trang bán sách giả trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội như vậy rất nhiều, cứ trang này bị báo cáo, phản ánh thì lập trang mới, ngang nhiên lấy ảnh của trang tôi để quảng cáo", anh nói.

Anh Bình cho biết thêm các trang bán sách giả thường chọn những cuốn đang hot, hết hàng để đăng bán, đẩy giá lên cao hơn so với giá bìa rồi chạy chương trình giảm giá nhằm lôi kéo khách.

"Ví dụ, một cuốn sách có giá bìa 100.000 đồng, họ viết trên bài đăng bán là 200.000 đồng rồi áp dụng chương trình giảm giá 50%, bán sách giả".

Theo anh Bình, phần lớn trang bán sách giả ăn cắp ảnh thật đều cắt bớt logo của anh, song một số thậm chí để nguyên logo ảnh khi đăng tải để "mập mờ đánh lận con đen", khiến người mua dễ hiểu nhầm.

Nhiều ảnh của anh Bình bị các trang bán sách tự ý sử dụng.

Anh cũng cho hay vào năm 2023, anh phát hiện bộ 4 cuốn Các Vương triều trên đất Thăng Long do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản, in ấn và phát hành bị làm giả và bán nhiều, cũng với chiêu thức dùng ảnh của anh chụp để quảng cáo như vậy. Anh đã thông tin cho Nhà xuất bản để đơn vị này gửi công văn tới các cơ quan có thẩm quyền.

Chủ hiệu sách Bình Bán Book nhận định các bên bán sách giả này rất hiểu về làm sách, hiểu lúc nào thị trường hết hàng sẽ lập tức đăng bán vì khi đó nhu cầu từ độc giả lớn.

Ngoài tìm mua sách online tại các đơn vị phát hành, phân phối uy tín, anh Bình khuyên độc giả nên quan sát kỹ, đánh giá độ tin cậy của nơi mua trước khi quyết định xuống tiền để tránh mua phải hàng giả.

"Nhận diện nơi bán sách giả không khó. Hiện nay, trang mạng xã hội của các đơn vị bán sách uy tín đều ghi rõ địa chỉ, số điện thoại công khai. Thứ hai là trang bán sách giả thường ghi giá bìa không đúng trên các bài đăng, đẩy giá bìa lên, mà giá bìa ta có thể tự kiểm tra dễ dàng. Độc giả cũng có thể mua hàng với hình thức COD, kiểm tra khi nhận hàng".

Nguồn: Zings