cart.general.title

Sứ mệnh mới của ngành xuất bản

Danh ngôn có câu “Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ”, phần nào nhấn mạnh vai trò của việc đọc sách trong quá trình trưởng thành, học tập, giải trí của con người.

Đường sách TPHCM là không gian thu hút nhiều độc giả đến tham quan, mua sách. Ảnh: Thanh Chân

Tạo môi trường văn hóa đọc lành mạnh

Trong thời đại 4.0, công nghệ bùng nổ tác động trực tiếp và xoay chuyển ngành xuất bản, từ cách tiếp cận thị trường, quy trình, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, công tác quản lý xuất bản, vấn đề bản quyền...

Ở phía bạn đọc, nhu cầu đọc sách và tiếp cận tri thức tăng nhanh mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho ngành xuất bản: Độc giả có nhu cầu đọc những cuốn sách bán chạy trên thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất; thị trường đòi hỏi nhiều đầu sách đa dạng về thể loại, chủ đề với chất lượng tốt; xu hướng đọc sách điện tử (ebook) yêu cầu các nhà xuất bản phải chuyển đổi số đồng bộ, hiện đại...

Con số 70% người Việt Nam sử dụng internet mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận văn hoá đọc nhưng cũng đặt ra bài toán giải quyết vấn đề xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Trong bối cảnh đó, khái niệm “sách giả” tồn tại ở nhiều dạng thức (sách nói, sách điện tử, sách in...) và cần phải tìm giải pháp phù hợp để đối phó, ngăn chặn.

Đồng thời, bạn đọc cũng cần tẩy chay sách giả, sách lậu bằng việc không mua bán, trao đổi, tuyên tuyền sách giả, sách lậu và tìm mua sách ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín. Khi độc giả ý thức được việc mua xuất bản thật chính là bảo vệ lợi ích của bản thân thì khi đó nạn xuất bản phẩm giả, lậu mới được đẩy lùi.

Muốn hình thành, phát triển một nền văn hóa đọc lâu dài, bền vững, phải hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng và thói quen đó phải hình thành từ tuổi thơ, từ trong môi trường gia đình và trường học. Khi ấy, việc đọc mới trở thành một hoạt động thường
xuyên, có lựa chọn rõ ràng để hướng tới những nhận thức cao hơn.

Tăng cường xuất bản sách có giá trị

Trước những vấn đề của ngành xuất bản, TS Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED - cho rằng, sách có vai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội, nhưng không phải sách nào cũng thực hiện đúng vai trò này.

Ông Giản Tư Trung đánh giá: “Trong hoạt động xuất bản hiện nay, ta có thể hình dung có năm nhóm đối tượng làm sách: Đầu nậu làm sách, con buôn làm sách, doanh nhân làm sách, nhà giáo dục làm sách, nhà văn hóa làm sách”.

“Đầu nậu” dùng để chỉ những đầu sách in lậu, làm giả, xâm phạm tác quyền để thu lợi bất chính. Con buôn không làm sách lậu mà xuất bản ồ ạt những đầu sách bán chạy, trong đó phần lớn là sách vô bổ.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - chia sẻ, những năm trước, sách vô bổ là nội dung xáo xào, tổng hợp. Đến nay, sách vô bổ có cách thức mới là cài cắm những nội dung nhảm nhí xen lẫn giữa những trang sách có giá trị, đánh lừa người đọc.

TS Giản Tư Trung cho rằng, doanh nhân làm sách coi sách như một loại hàng hóa, họ sẽ kinh doanh những đầu sách thu hút độc giả, còn nhà giáo dục thì làm sách với mục tiêu góp phần giải quyết nhu cầu tri thức và nhu cầu phát triển năng lực của một đối tượng nào đó trong xã hội. Cuối cùng, nhà văn hóa làm sách với mong muốn tạo ra những cuốn sách nhằm góp phần khai minh xã hội, là một phần sứ mệnh của ngành xuất bản.

Những năm qua, tỉ lệ người Việt đọc sách đã tăng, thế nhưng còn rất nhiều công việc phải làm để phát triển văn hóa đọc văn minh, đồng bộ, hiệu quả. Về lâu dài, việc xuất bản những cuốn sách tầm thường, vô bổ sẽ góp phần khiến người Việt xa rời văn hóa đọc.

Tại Việt Nam, với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, việc xây dựng văn hóa đọc sách lành mạnh, hiệu quả và tiến bộ là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội, bởi đọc sách là nhu cầu tinh thần cần thiết của con người.

Nguồn: laodong.vn