cart.general.title

Thủy Nguyệt ‘Lão hà tiện’ - thói xấu của kẻ giàu giữa xã hội kim tiền

Trong thế kỷ 21, khi tiền trở thành thước đo của sự thành đạt và hạnh phúc, "Lão hà tiện" của Molière là một trong những tác phẩm châm biếm sâu cay thói hư tật xấu.

“Lão hà tiện” là một trong những vở hài kịch nổi tiếng của Molière. Vở kịch dù đã ra đời hàng trăm năm, vẫn giữ nguyên được giá trị châm biếm sâu sắc những “thói hư tật xấu” của một số kẻ giàu có: Keo kiệt, toan tính, xem tiền là thước đo cho mọi giá trị sống, không ngại thủ đoạn nào để thu được càng nhiều tiền càng tốt, những kẻ thích ba hoa, nịnh hót.

“Lão hà tiện”, bản sách mới nhất do giáo sư Đỗ Đức Hiểu chuyển ngữ tiếng Việt, in năm 2020, nằm trong “Tủ sách Văn học trong nhà trường” của NXB Kim Đồng.

Châm biếm xã hội tư sản

Hài kịch Molière là châm biếm. Ông phê phán những thành kiến hủ bại về đẳng cấp, những kẻ tư sản ích kỷ, gia trưởng. Ông cũng từ ấy thể hiện sự yêu mến những người xuất thân từ dân chúng, có lương tri trong sáng.

Tác phẩm “Lão hà tiện” của ông một lần nữa được lựa chọn để in trong tủ sách Văn học trong nhà trường của Nhà xuất bản Kim Đồng, với mong muốn đem một kiệt tác nghệ thuật đến gần học sinh, giúp các em bồi dưỡng tình yêu văn chương, từ đó xây dựng được cảm quan nghệ thuật và đời sống sắc sảo.

Đây là cuốn sách không giới hạn đọc ở giai đoạn nào của cuộc đời, nó cần thiết cho mọi người. Những người không đào sâu lớp lang ý nghĩa của vở kịch, có thể thỏa mãn bởi tiếng cười vui nhộn từ đầu đến cuối.

Bằng cách cài cắm khôn khéo, Molière ngấm ngầm phơi bày điểm xấu của kẻ giàu có, để tạo nên tiếng cười sảng khoái.
Ông không đi sâu khơi nên những bất hạnh hay đau khổ của đời người, mà lựa chọn dùng tiếng cười nhẹ nhàng để phê phán cái xấu.

Kịch “Lão hà tiện” do Việt Nam dàn dựng và biểu diễn. Ảnh: Vanhoa.

Mâu thuẫn cha - con vì đồng tiền

Mối quan hệ giữa lão Harpagon và con trai Cleante được thể hiện trong nhiều trường đoạn đối thoại, nhằm khắc sâu những mâu thuẫn của hai người đàn ông trong gia đình, báo động những mâu thuẫn xã hội sâu sắc.

Harpagon, từ ngày vợ chết, càng trở nên khắt khe với hai con của lão, đến nỗi chúng nghèo kiết xác như bao đứa trẻ bình dân khác. Người con trai Cleante luôn tỏ ra bất mãn với lão, bởi cách cha mình keo kiệt ngay cả với con cái.

Đến khi chàng đem lòng yêu Mariane, mong muốn lo việc lớn. Chàng không thể xoay được tiền, nên phải tìm đến những người cho vay.

Từ đó, chàng mới phát hiện sự thật về một trong cách thức cha mình kiếm tiền. Cách ông xiết cổ những người đi vay lãi cao và những cách lừa đảo khác, khi họ đang trong bước đường cùng, càng chứng tỏ sự bất chấp vì tiền của lão.

Trong khi đó, Cleante là chàng trai khá cấp tiến. Chàng yêu và muốn được tự do yêu đương, cố gắng hết sức để có thể ở bên người mình yêu.

Chàng nhìn thấu bản chất của người cha hà tiện. Chàng biết tiền vàng cha cất ở đâu, nhưng không phải kẻ tham lam. Chàng chỉ là người trẻ muốn được sống hạnh phúc.

Hành động tên đầy tớ của chàng ăn cắp cái tráp vàng của lão Harpagon, nhằm giúp ông chủ, nhưng chàng chỉ dùng nó để “trao đổi”, bởi biết cha mình quý vàng của lão hơn cả mạng sống.

Mâu thuẫn giữa Harpagon và người con Cleante cũng được thể hiện ngấm ngầm qua những cử chỉ, hành động và ngôn ngữ hài hước, khiến người đọc phải quan sát, suy nghiệm để tỏ tường.

Mâu thuẫn cha - con ấy cũng là một phần biểu hiện của xã hội thế kỷ 21. Khi đồng tiền trở thành thước đo, tình yêu thương trở nên thiếu vắng biết bao.

Kịch “Lão hà tiện” được trình diễn tại Việt Nam. Ảnh: Nhân Dân.

Nóng rẫy hơi thở đương đại

“Lão hà tiện”  là vở hài kịch vượt qua được ranh giới khắc nghiệt của thời gian. Nhiều người đánh giá nó không lỗi thời, bởi vòng xoáy của thời gian.

Ở  “Lão hà tiện”, Molière không đơn thuần miêu tả hay phê phán thói hà tiện của con người nói chung, mà ở đây, Harpagon là nhân vật kinh điển, đại diện cho tầng lớp tư sản lúc bấy giờ của Pháp.

Một kẻ thuộc tầng lớp tư sản, tìm mọi cách để vơ vét của cải, bất chấp những thủ đoạn tàn nhẫn. Dưới ngòi bút của Molière, sự suy đồi về lương tri con người cũng như bản chất bạc bẽo của đồng tiền đã được thể hiện một cách độc đáo, thấm thía.

Trong thế kỷ 21, khi xã hội thừa vật chất, tiền cũng trở thành thước đo của sự thành đạt, và giàu có, “Lão hà tiện” của Molière chính là một trong những biểu đạt nóng rẫy và nhức nhối.

 “Lão hà tiện”  của Molière có thể là tiếng nói cất lên, không chỉ phê phán xã hội ấy, mà còn thể hiện ước vọng về niềm vui, hạnh phúc, sự chân thành.

Điều ấy được thể hiện đặc sắc trong màn cuối cùng của vở kịch - khi những nhân vật trẻ tuổi đều tìm được hạnh phúc, ở bên cạnh người yêu thương.

Bởi vì có những người trẻ tuổi ấy, biết phản kháng và mưu cầu hạnh phúc, xã hội sẽ dần tốt đẹp hơn. Đó cũng là niềm hy vọng của xã hội hôm nay.

(Nguồn: Zing.vn)