cart.general.title

Thanh Hoa Tự truyện của Helen Keller truyền cảm hứng qua năm tháng

Xuất bản lần đầu năm 1903, “Câu chuyện đời tôi” với lối chia sẻ chân thực và đầy xúc động về cuộc đời của Helen Keller, đã làm thổn thức biết bao trái tim độc giả trên thế giới, mang lại sự cổ vũ, khích lệ to lớn cho độc giả đến tận hôm nay. 

Câu Chuyện Đời Tôi là tác phẩm nổi tiếng nhất của Helen Keller, đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng.

Câu chuyện về tấm gương nghị lực của Helen Keller có lẽ đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Lúc chưa đầy 20 tháng tuổi, cơn sốt viêm màng não đã lấy đi của bà ánh sáng và âm thanh, bà không thể nghe nói được và chẳng nhìn thấy điều gì. Helen gọi ngày tháng đó là “những bóng đen của tù ngục”, và tâm hồn bà luôn gào thét trong im lặng “Ánh sáng! Hãy cho tôi ánh sáng!”. Dĩ nhiên, chẳng có ánh sáng nào được ban phát cả, nhưng Helen, với cơ duyên gặp được cô giáo Anne Sullivan và với khao khát được học hỏi, đã chiến thắng tất cả để biết đọc, biết viết và thành công vượt bậc khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục.

Không thể dùng đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe và miệng để trò chuyện, thế nhưng, thế giới quan của cô bé Helen thực sự được rộng mở và kết nối tuyệt diệu với bản chất của cuộc sống nhờ triết lý giáo dục tiến bộ. Cô Sullivan hướng dẫn cho học trò của mình chạm vào và quan sát con gà mới nở, ngửi mùi thơm và sờ nhẹ lên những bông hoa… Cô cho nước chảy qua bàn tay của Helen, rồi từ từ vẽ lên tay cô bé chữ “n-ư-ớ-c” để hiểu về cách định danh, biết dùng từ nào để diễn tả thứ gì. Cô giải thích cho Helen hiểu rằng có những thứ không thể sờ và ngửi là có thể nhận biết được, ví dụ như suy nghĩ, hay tình yêu… Cô nắm tay dẫn học trò ra cánh đồng thơm mát để hiểu rằng con người và thiên nhiên là bạn, nhưng cô cũng cho Helen ở lại một mình lúc bão giông để biết được thiên nhiên cũng rất đáng sợ và “dưới mỗi ngón tay mềm mại nhất đều che giấu những móng vuốt nguy hiểm”. Đó là một quá trình dạy và học trực tiếp, sinh động và có mục đích áp dụng cụ thể, ý nghĩa.

Từ phía mình, Helen yêu thích việc khám phá mọi thứ xung quanh, tiếp thu nhanh chóng tất cả những bài học từ cô giáo, cảm nhận tất thảy sự mới mẻ bằng tinh thần sẵn sàng tiếp thu và trái tim ấm áp của mình. Bà coi sách như những người bạn và trong cuốn sách này, bà cũng nêu tên những cuốn sách ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Khi cô giáo đọc một cuốn sách hay, Helen mong mỏi tự đọc đến nỗi tha thiết yêu cầu người bác đưa đi in nổi thành chữ Braille và đọc đến thuộc lòng. Bà yêu việc tới trường và nỗ lực học tập, "Khi tôi học tập, tôi xây lên những tòa lâu đài không khí xinh đẹp nhất, mơ ước, mơ ước mãi”. Quả là một tinh thần ham học hỏi hiếm có. 

Cuốn tự truyện nhẹ nhàng, thủ thỉ, từng câu chuyện được kể theo trình tự thời gian và thể hiện sự thay đổi tích cực dần lên của nhân vật qua những trải nghiệm và những dấu mốc quan trọng.

Cuốn sách như “vén mở bức màn che phủ thời thơ ấu của mình như một lớp sương mù vàng vọt”, đơn thuần chỉ là kể lại hành trình của cá nhân Helen, nhưng lại có thể giúp người đọc cảm nhận được bản thân đang đứng ở đâu trên con đường học tập, nỗ lực và ước mơ của mình. Chúng ta cũng có thêm động lực để sẵn sàng đối mặt với trở ngại trên con đường ấy, bởi "Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công thành danh tựu".

Helen Keller (1880 - 1968) là người khiếm thị kiêm khiếm thính đầu tiên trên thế giới nhận được tấm bằng Đại học. Bà là chủ tịch hội người mù tiểu bang Massachusetts, đồng sáng lập tổ chức Helen Keller International (gồm 22 quốc gia kể cả Việt Nam), suốt cuộc đời hoạt động phục vụ cho cộng đồng người mù. Helen đã đi thuyết giảng tại 39 nước trên thế giới.

Bà đã gặp được nhiều tổng thống Mỹ và có những người bạn là các nhà văn nổi tiếng thế giới. Helen là tác giả của 12 cuốn sách và nhiều bài báo. Năm 1999, Helen Keller được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20.

“Câu chuyện đời tôi” được Helen Keller viết khi cô 22 tuổi. 

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)