cart.general.title

10 cuốn sách nổi bật văn đàn Việt 2023

"Người thầy" của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tập "Trôi'' của Nguyễn Ngọc Tư, nằm trong số tác phẩm nổi bật 2023, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong 10 cuốn sách nổi bật năm 2023, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh hôm 13/1. Ảnh: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân

Tác phẩm dày gần 500 trang, được Thượng tướng ấp ủ trong 20 năm, ra mắt tháng 4/2023 - 5 tháng trước khi ông qua đời. Sách là hồi ức của tác giả về người thầy tình báo của ông - Thiếu tướng Đặng Trần Đức, bí danh Ba Quốc, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Với ông Nguyễn Chí Vịnh, thầy Ba Quốc là "người thầy kiệt xuất, vừa nghiêm khắc, vừa ân cần, dạy dỗ tôi nên người khi mới bước chân vào ngành tình báo, đến khi ông mất 20 năm sau đó''.

Tác giả không tập trung nhắc về những chiến công của ông Ba Quốc mà ghi lại các câu chuyện xoay quanh cuộc sống, con người và mối quan hệ thầy trò. Nhờ ý thức ghi chép từ ngày trẻ của Nguyễn Chí Vịnh, các trang sách trong Người thầy trở nên sống động đến từng cuộc đối thoại. Cuốn sách như một cuộc khảo cứu về cuộc đời Thiếu tướng Đặng Trần Đức nhưng cũng nhìn lại năm tháng tuổi trẻ của người thanh niên Nguyễn Chí Vịnh, với sự nghiệp luôn có bóng dáng thầy Ba Quốc đồng hành.

Tiểu thuyết Bất chợt mai vàng của Nguyễn Trí Huân. Ảnh: CAND

Sau tập ký Dấu thời gian xuất bản năm 2004, nhà văn Nguyễn Trí Huân mới ra mắt cuốn sách tiếp theo. Tác phẩm đưa người đọc trở về thời điểm đất nước phải căng mình chống chọi Covid-19. Với tác giả, cũng là cựu chiến binh, dịch bệnh khiến những ký ức về thời chiến trong ông trỗi dậy. Các nhân vật trong tiểu thuyết được đặt trong bối cảnh căng thẳng của đại dịch, đôi khi phải đối diện cái chết. Xen kẽ các câu chuyện về họ, nhà văn nhớ về những năm tháng chiến tranh đau thương, mất mát.

Bộ sách Tổng tập nhà văn quân đội ra mắt dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, do tạp chí Văn nghệ Quân đội biên soạn, Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng

Ấn phẩm gồm năm tập với 366 tác giả là những nghệ sĩ - chiến sĩ đã và đang làm việc trong quân đội. Trong lời nói đầu, Đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội viết: "Hiếm có đất nước nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ sự độc lập vẹn toàn như đất nước ta. Đặc điểm lịch sử ấy đã kiến tạo nên dòng văn học về đề tài chiến tranh với nhiều tác phẩm, tác giả xuất sắc, trong đó có những tướng lĩnh nhà văn và chiến sĩ nhà văn".

Con rít là sách dịch duy nhất được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh năm 2023. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

Tiểu thuyết được tác giả người Phần Lan Risto Isomaki chấp bút, Bùi Việt Hoa chuyển ngữ tiếng Việt. Sách dày 464 trang, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành tháng 12 năm ngoái, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Phần Lan - Việt Nam.

Tác phẩm là cuốn tiểu thuyết thứ bảy được nhà văn sáng tác, xoay quanh cuộc tìm kiếm của nhân vật Martti Ritola về một sinh vật biển kỳ lạ đã chết, xác bị dạt vào Vịnh Hạ Long, nhìn tựa con rít - con vật mang tính thần thoại trong các truyền thuyết Việt Nam. Ấn phẩm là một thế giới giả tưởng ly kỳ, hấp dẫn về hệ sinh thái biển, đồng thời đặt ra các vấn đề về biến đổi khí hậu, liên quan việc tàn phá thiên nhiên ở Việt Nam và trên thế giới.

Cá Linh đi học là cuốn sách của nhà văn Lê Quang Trạng, kể về chuyến du ngoạn của chú cá tên Linh Ống. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Ấn phẩm ra mắt tháng 2 năm ngoái, hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023. Sách cũng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mục Văn học thiếu nhi vào cuối tháng 12/2023.

Tác phẩm là thế giới của sông nước miền Tây, với những câu chuyện thần thoại về cậu bé Trời, chú cá Linh ngây ngô cùng chặng đường bơi ra sông lớn. Hàng năm, sau ngày Giỗ tổ, từng đàn cá linh non sẽ bắt đầu thực hiện cuộc di cư cầu thực về hạ lưu. ''Đây vừa là cuộc phiêu lưu, vừa là cuộc đi học để lớn khôn", theo tác giả. Qua cuốn sách, tác giả 28 tuổi muốn gửi thông điệp về sự trưởng thành, mạnh mẽ và tấm lòng giàu yêu thương.

Tập thơ Đồng sen tàn - sáng tác của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Tác phẩm gồm 108 bài lục bát, chia ba phần, mỗi phần 36 bài. Phần một - Đồng sen tàn - viết về mùa sen tàn, phần hai tên Mùa sấu rụng nói về mùa hoa sấu, phần cuối - Tháng sáu - có nội dung về tháng sáu. Cuối tháng 12 năm ngoái, tập Đồng sen tàn nhận giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Phúc Lộc Thành cho biết thể lục bát ông sử dụng trong tập thơ phá cách hơn lục bát truyền thống. Ông sắp đặt cấu trúc, nhịp điệu, sử dụng ngôn từ theo tư duy mới, không theo luật bằng trắc. Nhà thơ ngắt nhịp, tạo nhịp điệu manh mẽ, hỗ trợ chuyển tải ý nghĩa câu thơ đến người đọc.

Tập truyện Trôi của Nguyễn Ngọc Tư, do Nhà xuất bản trẻ phát hành hồi tháng 11/2023. Ảnh: Trung Đàm

Tác phẩm 152 trang, tiếp tục xoáy vào cái nghèo, cuộc sống bếp bênh của nhiều người dân miền Tây. Các nhân vật trong truyện được Nguyễn Ngọc Tư khắc họa với vẻ lạc lõng, vô định. Họ đến từ bất kỳ đâu hay làm đủ thứ nghề, hoặc không làm gì. Càng vùng vẫy, thoát khỏi hiện thực, họ càng lún sâu vào những bất hạnh của cuộc đời. Sau những mảnh đời ấy, tác giả Cánh đồng bất tận gợi sự đồng cảm nơi bạn đọc: ''Chẳng cuộc trôi nào là vô tình, bản thân sự trôi nổi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời".

Tiểu thuyết Thương ngàn của Vĩnh Quyền. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Sách được kể bằng ngôi thứ nhất, nhân vật là người đàn ông Huế có tình yêu mãnh liệt với những cánh rừng. Tác phẩm viết về những cánh rừng bị tàn phá vì lòng tham của con người, để rồi hậu quả khốc liệt là sự mất cân bằng sinh thái và biến đối khí hậu. Qua các câu chuyện kể trong Thương ngàn, Vĩnh Quyền còn ''thương'' cho bản tính tự nhiên trong tâm hồn con người đã dần trở nên khô cằn, chai sạn, lệch lạc vì nhiều định kiến.

Neo chữ, 316 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Ảnh: Sách Tao Đàn

Tác phẩm của Nguyễn Hoài Nam thuộc thể loại phê bình lý luận văn học. Ông thể hiện phong cách phê bình của bản thân qua trích đoạn: ''Tôi luôn cố gắng viết phê bình theo cách giản dị, dễ hiểu là vì, một phần, do 'chất' người. Tôi yêu thích sự đơn giản. Đơn giản và hài hước được thì càng tốt. Phần khác, là do yêu cầu của công việc báo chí, nhất là báo chí phổ thông. Tôi đăng bài trên báo chí phổ thông chứ không đăng bài trên các tạp chí chuyên ngành, vì thế chẳng dại gì tôi lại trở nên bí hiểm khó hiểu với quảng đại công chúng độc giả, là những người mua báo, là những người đọc tiềm năng của tôi''.

Chuyên khảo Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do - tác giả Phùng Ngọc Kiên, Đoàn Ánh Dương - khép lại danh sách. Ảnh: Sách Tao Đàn

Cuốn chuyên khảo gồm 420 trang, cung cấp cho người đọc những tri thức, kiến giải về hoạt động văn chương và xuất bản của văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Nguồn: VnExpress