cart.general.title

“Lãng du trong văn hóa Việt Nam” và vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa

“Xuất phát từ hiện thực hằng ngày ở Việt Nam để đi ngược lại nguồn gốc và đi sâu tìm hiểu tính độc đáo của văn hóa Việt Nam” đó là nhận xét của cố GS sử học Phan Huy Lê khi đọc “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (NXB Kim Đồng) của học giả Hữu Ngọc, người đã giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Đóng vai người dẫn đường thông thái, Hữu Ngọc không chỉ giới thiệu về điểm đến mà còn là đồng hành giúp chúng ta khám phá thêm nhiều vẻ đẹp từ văn hóa, lịch sử, con người của mỗi vùng đất. 357 bài viết chia thành 3 tập, được ông viết trong 13 năm, vừa là cuộc lãng du chữ nghĩa, vừa giống cẩm nang văn hóa Việt, một bách khoa toàn thư thu nhỏ về văn hóa xứ sở tiên rồng.

Ở phần Đất Việt, độc giả có thể lãng du theo chân ông đi khắp các nơi trên dải đất hình chữ S. Từ “Địa đầu Tổ quốc”, Hà Giang – chúng ta được rong ruổi đi qua bản làng nơi những người Mông, Lô Lô làm ngô trên nương, trong hốc đá, trồng đan xen canh các loại rau cải, dưa chuột, ớt, tỏi... Từ đó, ta đến với Cao Bằng, cái nôi của dân tộc Tày, qua Lai Châu gặp người dân tộc Mảng, thăm làng Cống (Bắc Giang) để gặp người Sán Chỉ; đến làng khoa bảng Hành Thiện (thuộc phủ Xuân Trường) nay là Nam Định, rồi qua Ba Bể “viên ngọc xanh trời phú cho”; ghé Sầm Sơn thăm Hòn Trống Mái. Và từ Vân Đồn đi Cô Tô “không khí trong lành, phong cảnh ngoạn mục, nhưng du lịch chưa phát triển được vì thiếu phương tiện giao thông và dịch vụ”... Tất cả những trải nghiệm riêng tư, những cuộc tiếp xúc với đồng bào các dân tộc như gợi mở, kích thích chúng ta tìm về với văn hóa các tộc người. Tiếp tục hành trình, hướng về phương Nam, đi qua Đèo Ngang, bỗng nhớ thuở xưa “bóng xế tà”, rồi đem lòng thương cái giọng ngọt lịm của gái Huế bên dòng Hương giang mộng mơ, vào tận đất A Lưới (Thừa Thiên Huế) nơi có những người Tà Ôi, Pa Cô mang họ Bác Hồ sinh sống.

Đặc biệt, mảnh đất ngàn năm văn hiến, níu chân ông bằng rất nhiều bài viết. Ông dành sự “ưu tiên” cho Hà Nội duyên dáng, không chỉ vì thành phố này có sự hài hòa cổ kính và kỳ dị, mà hơn hết là Hà Nội đã “gìn giữ được cái duyên dáng không bút nào tả được của một thành phố có lịch sử nhiễu nhương mà vẫn bảo tồn được nhân cách sâu sắc của mình”. Ở giữa lòng Hà Nội, cuộc sống của người dân 36 phố phường diễn ra muôn vẻ, hội hè linh đình, chợ họp náo nhiệt... Cũng ở nơi phố cổ ấy, Tháp Rùa khiến người ta liên tưởng đến chuyện cổ tích Rùa vàng nổi lên lấy lại gươm của Lê Lợi cách đây gần 600 năm. Sự thực thì Tháp Rùa mới xây được gần 140 năm và chẳng có liên quan gì tới sự tích ấy. Ông giải thích rõ, “tuy không phải là biểu trưng chính thức của Hà Nội, Tháp Rùa từ lâu đã là mô típ trang trí nhắc nhớ Hà Nội, y như tháp Eiffel với Paris, hay tượng thần Tự Do đối với New York. Hà Nội trong con mắt của nhà văn hóa Hữu Ngọc còn là sự khổ tâm, ngượng ngùng, đau nhói tận tim với bạn bè nước ngoài bởi cái văn hóa phố phường: nào là xe máy, xe đạp ngang nhiên đi trên vỉa hè, là hình ảnh người dân chạy như vịt khi công an đến...

Cũng vì cái mộng xê dịch của Hữu Ngọc mà bạn đọc được “du lịch” từ Bắc chí Nam, qua nhiều tỉnh, thành trong một “không gian khá chật hẹp” chừng hơn 300 trang.

Phần “Lịch sử - Truyền thống”, ngòi bút của Hữu Ngọc càng trở nên sắc sảo hơn. Thông qua khối kiến thức đồ sộ, Hữu Ngọc có nhiều bài bình luận sâu sắc về con người, về dân tộc Việt; thẳng thắn khi viết về những nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Đó là Nguyễn Trãi, “giỏi tâm lý chiến”, có tài “địch vận”, nhưng hơn hết là chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Huyền thoại Đề Thám ở nơi “vùng hùm thiêng Yên Thế” đã vẫy vùng trong 30 năm chống Pháp, lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa bền bỉ và lâu dài nhất của nước ta vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hay “Chuyện về Nguyễn Thế Truyền”, du học tại Pháp năm 12 tuổi, sau đó đỗ cử nhân khoa học và kỹ sư hóa học, song lại là một người sớm hoạt động chính trị, tham gia Hội liên hiệp thuộc địa, cộng tác với Nguyễn Ái Quốc làm báo Người cùng khổ.

Điều hấp dẫn trong các bài viết của Hữu Ngọc là ông đã “chiêu tuyết”, “minh oan” cho nhiều nhân vật nổi tiếng. Đặng Huy Trứ vốn được coi là một trong những kẻ sĩ “trồng mầm khai hóa đầu tiên” ở Việt Nam. Để “minh oan” cho Đặng Huy Trứ, nhà văn hóa Hữu Ngọc chứng minh ông “làm quan thanh liêm và khảng khái, ông đã từng sống trong cảnh “cơm chỉ rau dưa, canh chủ chốt”, “hồ cháo qua hơi sớm tối, vợ con hết cách chạy Tây Đông. Vì thế mà ông đã đề cập đến nguyên tắc chủ yếu trong việc không nhận (từ) và nhận (thụ) quà biếu đối với người làm việc công trong cuốn “Từ thụ yếu quy” (1867). Ngoài ra, trong bài “Nguyễn Trường Tộ có phải là Việt gian không?", ông cho rằng chữ “hòa” của Nguyễn Trường Tộ trong “thiên hạ đại thế luận” chỉ có nghĩa là tạm hòa. Tạm hòa để học hỏi bên ngoài, rồi vươn lên sau. Dân giàu nước mạnh là kế hoạch hàng đầu để giữ nước. Với Trương Vĩnh Ký, “công” là ở trước tác của ông, “tội” là cộng tác với Pháp.

Bên cạnh phần lịch sử, tư duy thì phần Gia đình – Xã hội khiến bạn đọc có thêm góc nhìn cuộc sống hiện đại. Không chỉ có tư liệu Đông - Tây, kim - cổ, những vấn đề rất nổi bật của xã hội Việt Nam như quan niệm về chữ trinh, phụ nữ đơn thân ở Việt Nam, đám cưới văn hóa, viết gia phả, quan niệm gia đình truyền thống, thân phận người Việt ở Mỹ... được Hữu Ngọc viết rất gần gũi và dễ chịu. Trên thực tế, mặc dầu có những sự đảo lộn xã hội, nhiều tập quán đẹp của gia đình vẫn tồn tại hoặc đương phục hồi: thờ phụng tổ tiên, tảo mộ nhân lễ thanh minh, giỗ tết, viết gia phả dòng họ... Những tín ngưỡng quan trọng của dân tộc Việt cũng được suy nghĩ một cách thấu đáo chi tiết. Tựu trung lại là để mọi người bớt khắt khe với người khác, không vì khư khư với truyền thống mà không chấp nhận cái thay đổi trong thời đại mới.

Phần ba tập trung vào các câu chuyện Văn hóa – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật. Đây được xem là thế mạnh của Hữu Ngọc và ông thực sự thăng hoa trong “mảng miếng” này. Trực tiếp chứng kiến sự giao lưu văn hóa Đông – Tây, Hữu Ngọc bộc lộ rõ thái độ: "Kỷ nguyên toàn cầu hóa đã đặt các quốc gia, các dân tộc vào thế phải chủ động mở cửa để hòa nhập, nếu không muốn bị tụt hậu, bị cô lập và bị gạt ra ngoài rìa của công cuộc tiến hóa. Nhưng điều cần lưu ý nhất mà đến nay ít ai không biết là mỗi nền văn hóa chỉ có thể và có quyền tồn tại nếu giữ được bản sắc riêng”. Đặt những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta trong sự soi chiếu của các nền văn hóa thế giới, đặt văn hóa truyền thống giữa quá trình “toàn cầu hóa, hiện đại hóa” của dân tộc, để nhấn nhá làm toát lên những nét đẹp đẽ đặc sắc đồng thời bày tỏ những hướng đi để phát huy và giữ gìn văn hóa trong tương lai, đó chính là cách viết và cách tư duy của Hữu Ngọc.

Trong không khí toàn cầu hóa, Hữu Ngọc lại càng trân trọng những nét riêng của Việt Nam. Ông ngồi uống rượu, ngâm ngợi lại những vần thơ xưa, cùng Nguyễn Du đọc lại Truyện Kiều; ngắm trăng mà vịnh thơ với Tản Đà; lần giở, gật gù khi nghĩ về những đặc sắc nghệ thuật của dân tộc, như: tuồng cổ, ca trù, nhiếp ảnh, hội họa....

Nuối tiếc là cảm xúc của Hữu Ngọc và người đọc cũng thấu cảm điều đó. Sinh ra, lớn lên ở phố cổ Hàng Gai, Hà Nội, chứng kiến sự vang bóng một thời của dòng tranh Hàng Trống, ông càng tiếc vì chỉ còn có ông Lê Đình Nghiêm - nghệ nhân duy nhất còn hành nghề. Ngoài giờ đi làm (trước đây), ai biết tìm đến đặt tranh thì ông làm, vì tranh Hàng Trống, nhất là tranh thờ không có bán trên thị trường. Dù chỉ còn khoảng 30 ván khắc nhưng để giữ gìn nó, cũng là quá khó với một “nghệ sĩ nghèo” như ông Nghiêm. Rồi, mỗi khi đi qua làng rối nước Đồng Ngư (Bắc Ninh) “lòng bâng khuâng, vui buồn lẫn lộn”. Chả thế mà có người nhận xét “Hữu Ngọc viết luyến láy, tinh tế và duyên dáng đến mức có thể ngẩn người ra mà đọc, tựa như mình là đứa trẻ đang ngồi bên tách trà, nghe các cao nhân đàm đạo. Người viết ở đây, am hiểu tường tận, lại đầy lòng thành kính nên những bài viết khuấy động trong bầu không khí đẹp đẽ của văn hóa nghệ thuật”.

Hữu Ngọc không đi sâu vào một vấn đề, ông cũng không lật lại lịch sử theo dòng chảy sự kiện, có thể từ một câu chuyện nhỏ, một con người cụ thể, Hữu Ngọc gửi trao thông điệp, nhắn nhủ những tâm sự, những nghĩ suy của một người đi qua bao thăng trầm, bể giông của cuộc đời khi ngoái lại thấy nhiều giá trị tốt đẹp đã xa, xa mãi.

“Trong suốt chuyến đi, Hữu Ngọc hiện diện bên người đọc như người dẫn đường thông thái, lịch lãm, một người bạn vong niên ân cần và tinh tế” (TS Nguyễn Thị Diệu Linh). Giữa tiết trời đương xuân này, tôi chắc chắn rằng, nếu được cầm trên tay bộ 3 cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt” với khoảng 1.300 trang sách, người đọc sẽ tìm kiếm được rất nhiều thông tin bổ ích, hiểu thêm nhiều giá trị tốt đẹp, cảm nhận được trái tim ấm nóng của một nhà văn hóa.

Bài và ảnh: THU HÀ (CTV)

Nguồn: Báo Thanh Hóa