cart.general.title

Lê Quang Trạng: Nhà văn 9X ghi dấu ấn văn học thiếu nhi

Thuộc thế hệ nhà văn trẻ 9X, Lê Quang Trạng không ngần ngại thử nghiệm với nhiều thể loại văn chương: Thơ, truyện ký, tùy bút, truyện dài… Ở lĩnh vực nào anh cũng tạo được những dấu ấn của một cây bút trẻ miền Tây sung sức, mộc mạc và rất đằm. 

Anh Lê Quang Trạng

Đã có nhiều tác phẩm viết cho người lớn được yêu thích nhưng mới đây, Lê Quang Trạng lại bất ngờ gây sự chú ý khi là chủ nhân của giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Cuốn sách cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vinh danh một trong 10 cuốn sách hay của năm 2023 vào ngày 13/1 vừa qua. Anh cho biết, thực ra những trang văn đầu tiên anh viết cho thiếu nhi, đó là mạch ngầm vẫn chảy trong cây bút này.

• NHÀ VĂN TRẺ CÓ ĐỘNG LỰC LỚN KHI BƯỚC RA THẾ GIỚI

- Nặng lòng với miền Tây không chỉ trong trang viết, có thể thấy anh và một số bạn bè văn trẻ miền Tây đang từng bước nỗ lực để tạo nên dấu ấn văn trẻ miền Tây. Theo anh, văn học trẻ miền Tây hiện nay có điểm gì riêng, và có khó khăn gì trong việc tạo dấu ấn của mình?

Tôi cảm thấy vui mừng khi văn học miền Tây những năm gần đây bắt đầu có những khởi sắc đáng để chúng ta tin tưởng và kỳ vọng. Một loạt các cây bút trẻ trình làng, họ vừa nhiệt tình, nhiệt huyết và có sự lao động say mê, rất đáng trân trọng. Với nền văn hoá, thiên nhiên bản địa giàu có bản sắc, cộng đồng dân cư có nhiều điều “đặc biệt” là một kho cảm hứng và tư liệu phong phú để các bạn viết trẻ tìm tòi và sáng tạo. Dòng cuốn của thời gian và xã hội luộn mở ra cho miền Tây những làn sóng mới, sau mỗi lớp sóng - những thân phận và câu chuyện được phơi ra để những người viết trẻ quan sát và sáng tạo. Tuy nhiên, từ đó cũng cho thấy một số khó khăn đối với người viết. Cơm áo gạo tiền, công việc bấp bênh, dòng cuốn số đông thanh niên miền Tây lên phố làm công nhân... vừa là cơ hội quan sát nhưng cũng vừa là thách thức đối với những người viết trẻ. Tuy nhiên, lịch sử văn học miền đất này đã cho thấy, nếu có đủ tài năng, đạo đức làm nghề và bản lĩnh, các bạn viết trẻ sẽ trụ vững và xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc trong dòng văn học và độc giả!

- Hiện là một cán bộ của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, với những kế hoạch, công văn… công việc nặng về hành chính ấy có khiến anh gặp khó khăn trong việc duy trì sáng tác - vốn đòi hỏi sự bay bổng, lãng mạn? 

Tôi nghĩ, tuỳ thuộc vào sự sắp xếp thời gian của công việc cơ quan và việc viết. Tôi công tác ở đơn vị sự nghiệp, vì vậy cũng không quá nặng nề về mặt công văn giấy tờ, bên cạnh đó, tôi được trực tiếp tiếp xúc với các diễn viên, nhạc công và đặc biệt là các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân người dân tộc Chăm, Khmer... Từ đây, tôi có cơ hội thâm nhập thực tế, tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hoá dân tộc. Tôi cảm thấy thích thú với việc này, nó đã bổ trợ cho tôi kiến thức, góc nhìn và nguồn cảm hứng cho trang viết.

Tôi nghĩ là, thật khó để có thể sống được từ nhuận bút nếu chỉ bằng mỗi việc viết văn. Nên ở nước ta, hầu hết các nhà văn đều có thêm một nghề nào đó. Rất nhiều nhà văn làm trái ngành nhưng vẫn viết tốt, và tôi nghĩ là quan trọng vẫn ở việc bản lĩnh, tài năng, đức độ và việc sắp xếp công việc, thời gian ra sao. Với tôi, trên xe mỗi lần đi công tác tôi vẫn đọc sách, nghiền ngẫm, đấy là quá trình thai nghén để khi có thời gian tĩnh lặng ở cơ quan hay khi về nhà, tôi ngồi vào bàn viết và “sinh chữ” ra thôi!

- Cách đây không lâu, Lê Quang Trạng tham dự chương trình giao lưu văn chương Việt - Hàn, anh đã chia sẻ những gì trong chương trình ấy? Việc bước ra thế giới giao lưu, với nhà văn trẻ có ý nghĩa gì không? 

Ở Diễn đàn Văn học châu Á lần thứ V diễn ra hồi tháng 8/2023 vừa qua tại Hàn Quốc, tôi đã có tham luận nói về vấn đề đô thị hoá - thách thức và cơ hội đối với người viết trẻ. Tôi đã chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi và tiềm năng của văn học trẻ Việt Nam hiện nay, cũng như sự hội nhập quốc tế. Các đại biểu đến từ các nước đã bày tỏ sự phấn khởi và quan tâm đến nền văn hoá đô thị cũng như sức sống của nền văn học nước ta, đặc biệt là lứa nhà văn trẻ đang có những bước vững chãi để hội nhập quốc tế.

Tôi nghĩ rằng, việc bước ra giao lưu mang một ý nghĩ và động lực lớn đối với các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ. Ở đấy, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được phần nào về vị trí và vai trò của nhà văn (cá nhân và nền văn học nước nhà). Những quan điểm văn chương, cách làm nghề của các bạn viết sẽ cho chúng ta có thêm cơ hội vừa chia sẻ và vừa học hỏi kinh nghiệm. Tôi nghĩ đấy là những kinh nghiệm bổ ích để áp dụng và làm phong phú hơn trang viết của chính mình.

Lê Quang Trạng là nhà văn đã đoạt nhiều giải thưởng văn học như: Giải Tư cuộc vận động Sáng tác văn học - nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017, Giải Tư cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018-2019, Giải Tư cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2015-2017, Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2016, giải A - Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI, Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023...

Tác phẩm đã in: Tập thơ “Áp tai vào đất”, tập truyện ngắn “Vệt sáng của bụi”, tập bút ký “Người chở chữ qua sông”, truyện dài “Cá linh đi học”, thủ lĩnh băng vịt đồng” và gần nhất là tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm”...

• TÔI LUÔN NGHE BÊN TAI TIẾNG VỌNG CỦA TUỔI THƠ

- Viết thơ, bút ký, tản văn, truyện ngắn…, văn học thiếu nhi hình như là đến muộn trên con đường văn của anh. Vì sao anh chọn viết văn học thiếu nhi sau khi đã trải nghiệm khá nhiều thể loại khác?

Thật ra, những trang viết đầu tiên của đời (hồi tôi 13-14 tuổi) là những trang viết thiếu nhi. Nhưng do lúc ấy chưa đủ cơ duyên và những trang văn còn non trẻ nên khi bắt đầu viết theo cách mà mình tạm nghĩ là “người lớn” thì mới bắt đầu có tác phẩm in báo và tôi theo lối đó mà đi đến nay. Tuy nhiên trong suốt hơn 10 năm theo nghề viết, tôi luôn nghe bên tai tiếng vọng của tuổi thơ, những ẩn ức, những trang văn chưa kịp viết ra hồi ấy cứ thôi thúc vọng về. Có lúc buồn quá, tôi nghĩ mình nên “tập viết lại” những trang viết thiếu nhi, may mắn những trang viết ấy được độc giả đón nhận. Khi viết cho thiếu nhi, tôi thấy như mình trẻ lại, khi ấy tôi hóa thân thành một cậu bé, đang ngồi kể lại những câu chuyện mà mình nhìn thấy dưới ánh mắt trẻ thơ. Tôi - một cậu bé nhìn thấy con vịt nói được tiếng người, nó kể tôi nghe bao nhiêu là chuyện buồn vui - đấy là câu chuyện từ những năm tuổi thơ tôi đã hình dung ra và mãi đến bây giờ mới có dịp kể lại... 

- Sau câu chuyện dễ thương của Cá linh đi học, tác phẩm đoạt giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả muốn chuyển đến người đọc thông điệp gì? 

Lớn lên bên sông, chứng kiến những buồn vui của sông và tôi đau lòng khi thấy thiên nhiên ngày càng bị tổn thương. Tôi đau đớn khi thấy những giàn lưới điện giăng trên sông và những bầy cá non chết yểu. Có cậu bé đi chợ với mẹ, hỏi mẹ rằng, “sao người ta không để cá linh non đi học, mà người ta bắt chúng lên ăn chi vậy mẹ”, đã làm tôi bừng lên suy nghĩ, mình nên viết gì đó!

Tôi kể lại câu chuyện cá linh, chuyện về văn hoá sông nước và sinh thái của quê tôi, tôi mong muốn những điều đẹp đẽ ấy đến được với đông đảo độc giả để họ trân trọng, yêu mến thiên nhiên cũng như miền đất mà tôi yêu tha thiết ấy!

- Anh sẽ gắn bó tiếp với thể loại văn học thiếu nhi chứ? 

Tôi nghĩ là mình sẽ còn gắn bó với văn học thiếu nhi lâu nữa, bởi tôi cảm thấy mình còn nhiều điều muốn nói, muốn chia sẻ với độc giả qua dòng văn học này. Tôi cảm thấy văn học thiếu nhi như một đợt mưa rào tươi tốt cho tâm hồn và trang viết của tôi; và đến mãi lúc này (có thể sẽ lâu hơn nữa) tôi luôn nghe bên tai lời thì thầm của những nhân vật, rất trong trẻo dễ thương... Họ vẫn đang chờ đợi tôi xây cho họ một mái nhà, một cái sân chơi hay một dòng sông bao dung và hào sảng!

- Hiện nay anh đang ấp ủ đề tài gì?

Hiện nay tôi đang viết một truyện dài thiếu nhi, vẫn với thể loại đồng thoại, nhưng tôi muốn thoát ra khỏi vùng an toàn và kể một câu chuyện theo một cách mới hơn, lạ hơn. Tôi vẫn đang tự vấn và không ngừng suy nghĩ mỗi khi ngồi vào bàn viết!

Nguồn: Báo Lâm Đồng