cart.general.title

Lê Quang Trạng và những buồn vui của sông

Dù đã có nhiều tập thơ, tản văn, bút ký đầy xúc động trong lòng độc giả lớn tuổi, nhưng nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (sinh năm 1996) vẫn gây bất ngờ tại hạng mục Văn học thiếu nhi, khi là chủ nhân Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, với tác phẩm  Cá linh đi học (NXB Kim Đồng). Bản thảo tập truyện dài này từng lọt vào vòng chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022.

Viết văn từ khi còn học cấp 2, nay ở tuổi 27, Lê Quang Trạng hiện là 1 trong vài hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau gần 20 năm, kể từ Cánh đồng bất tận, nay mới có thêm một tác giả của đồng bằng sông Cửu Long nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Lê Quang Trạng

* Hiện anh là một cán bộ của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang, những kế hoạch, công văn… nặng về hành chính có khiến anh gặp khó khăn trong việc duy trì sáng tác - vốn đòi hỏi sự bay bổng, lãng mạn?

- Tôi nghĩ tùy thuộc vào sự sắp xếp của mỗi người. Tôi công tác ở đơn vị sự nghiệp, vì vậy cũng không quá nặng nề về mặt công văn, giấy tờ, bên cạnh đó, tôi được tiếp xúc với các diễn viên, nhạc công và đặc biệt là các nghệ nhân đồng bào Chăm, Khmer… Từ đây, tôi có cơ hội thâm nhập thực tế, tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa dân tộc. Tôi cảm thấy thích thú với việc này, nó đã bổ trợ kiến thức, góc nhìn và nguồn cảm hứng cho trang viết.

Thật khó để có thể sống được từ nhuận bút nghề văn. Nên ở nước ta, hầu hết các nhà văn đều có thêm một nghề nào đó. Rất nhiều nhà văn làm trái ngành, nhưng vẫn viết tốt, nên tôi nghĩ quan trọng vẫn là ở bản lĩnh, tài năng, đức độ và việc sắp xếp công việc, thời gian ra sao.

Với tôi, trên xe mỗi lần đi công tác tôi vẫn đọc sách, nghiền ngẫm, đấy là quá trình thai nghén để khi có thời gian tĩnh lặng ở cơ quan hoặc khi về nhà, tôi ngồi vào bàn viết và "sinh chữ" ra thôi!

Lê Quang Trạng (thứ 5, từ trái sang) tại Lễ Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023

* Văn học thiếu nhi hình như là đến muộn trên con đường văn của anh. Vì sao anh chọn viết văn học thiếu nhi sau khi đã trải nghiệm khá nhiều thể loại khác?

- Thật ra, những trang viết đầu đời (hồi tôi 13 - 14 tuổi) là những trang viết cho thiếu nhi. Nhưng do lúc ấy chưa đủ cơ duyên và những trang văn còn non trẻ, nên chưa thành. Khi bắt đầu viết theo cách mà mình tạm nghĩ là "cho người lớn", thì mới bắt đầu có tác phẩm in báo, nên tôi theo lối đó cho đến nay.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm theo nghề viết, tôi luôn nghe bên tai tiếng vọng của tuổi thơ, những ẩn ức, những trang văn chưa kịp viết ra hồi ấy cứ thôi thúc vọng về. Có lúc buồn quá, tôi nghĩ mình nên "tập viết lại" những trang viết thiếu nhi, rồi may mắn những trang viết ấy được độc giả đón nhận.

Tập truyện “Cá linh đi học”

* Qua " Cá linh đi học", tác giả muốn gửi gắm điều gì?

- Lớn lên bên sông, chứng kiến những buồn vui của sông và tôi đau lòng khi thấy thiên nhiên ngày càng bị tổn thương. Tôi đau đớn khi thấy những giàn lưới điện giăng trên sông và những bầy cá non chết yểu. Có cậu bé đi chợ với mẹ, hỏi mẹ rằng, "sao người ta không để cá linh non đi học, mà người ta bắt chúng lên ăn chi vậy mẹ", đã làm tôi bừng lên suy nghĩ nên viết gì đó!

Tôi kể lại câu chuyện cá linh, chuyện về văn hóa sông nước và sinh thái của quê tôi, tôi mong muốn những điều đẹp đẽ ấy đến được với đông đảo độc giả để họ trân trọng, yêu mến thiên nhiên, cũng như miền đất mà tôi yêu tha thiết ấy.

"Khi viết cho thiếu nhi, tôi thấy mình hóa thân thành một cậu bé, đang ngồi kể lại những câu chuyện của chính mình thời đó, bằng con mắt trẻ thơ. Tất cả chuyện này tôi đã có sẵn từ những năm tuổi thơ, đã hình dung ra, nhưng mãi đến bây giờ mới có dịp kể lại" - Lê Quang Trạng.

* Vậy anh có dự định gắn bó lâu dài với thể loại văn học thiếu nhi?

- Tôi nghĩ là mình sẽ còn gắn bó với văn học thiếu nhi lâu hơn nữa, bởi tôi cảm thấy còn nhiều điều muốn nói, muốn chia sẻ với độc giả. Tôi cảm thấy văn học thiếu nhi như một đợt mưa rào tươi tốt cho tâm hồn và trang viết của tôi; và đến mãi lúc này (có thể sẽ lâu hơn nữa) tôi đang nghe bên tai lời thì thầm trong trẻo, dễ thương của những nhân vật… Họ vẫn đang chờ đợi tôi xây cho họ một mái nhà, một cái sân chơi, hoặc một dòng sông bao dung và hào sảng.

Lê Quang Trạng (thứ 2, từ trái sang) tại Diễn đàn văn học châu Á lần thứ V ở Hàn Quốc

* Nặng lòng với miền Tây Nam bộ không chỉ trong trang viết, mà còn nhiều hoạt động khác. Theo anh, văn học trẻ miền Tây hiện nay có điểm gì riêng, cũng như khó khăn gì trong việc tạo dấu ấn của mình?

- Tôi cảm thấy vui mừng khi văn học miền Tây Nam bộ những năm gần đây bắt đầu có những khởi sắc đáng để chúng ta tin tưởng và kỳ vọng. Một loạt các cây bút trẻ trình làng, họ vừa nhiệt tình, vừa có sự lao động say mê, rất đáng trân trọng. Với văn hóa, thiên nhiên phong phú, giàu bản sắc, cộng đồng dân cư có nhiều điều "đặc biệt", nơi đây là một kho cảm hứng và tư liệu phong phú để tìm tòi và sáng tạo.

Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít. Cơm áo gạo tiền, công việc viết bấp bênh, làm cho việc giữ vững ngòi bút cũng không hề dễ dàng. Nhưng lịch sử văn học miền đất này đã cho thấy, nếu có đủ tài năng, đạo đức làm nghề và bản lĩnh, các cây viết trẻ sẽ có thể xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc trong dòng văn học và độc giả.

Lê Quang Trạng ký tặng sách

* Cách đây không lâu, Lê Quang Trạng tham dự chương trình giao lưu văn chương Việt-Hàn, anh đã chia sẻ những gì trong chương trình ấy?

- Ở Diễn đàn văn học châu Á lần thứ V diễn ra hồi tháng 8/2023 tại Hàn Quốc, tôi đã có tham luận nói về vấn đề đô thị hóa là thách thức và cơ hội đối với người viết trẻ.

Tôi đã chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi và tiềm năng của văn học trẻ Việt Nam hiện nay, cũng như sự hội nhập quốc tế. Các đại biểu đến từ các nước đã bày tỏ sự phấn khởi và quan tâm đến nền văn hóa đô thị, cũng như sức sống của nền văn học nước ta, đặc biệt là lứa nhà văn trẻ đang có những bước vững chắc để hội nhập quốc tế.

Tôi nghĩ rằng, việc giao lưu mang một ý nghĩ và động lực lớn đối với các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ. Ở đấy, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được phần nào về vị trí và vai trò của nhà văn (cá nhân và nền văn học nước nhà). Những quan điểm văn chương, cách làm nghề của các bạn viết sẽ cho chúng ta có thêm cơ hội chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm. Tôi nghĩ đấy là những kinh nghiệm bổ ích để áp dụng và làm phong phú hơn trang viết của chính mình.

* Tác phẩm mà anh đang ấp ủ hiện nay?

- Tôi đang viết một truyện dài thiếu nhi, vẫn với thể loại đồng thoại, nhưng muốn thoát ra khỏi vùng an toàn để kể một câu chuyện theo cách mới hơn, lạ hơn. Tôi vẫn đang tự vấn và không ngừng suy nghĩ mỗi khi ngồi vào bàn viết.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Thuộc 10 cuốn sách nổi bật năm 2023

Tối 13/1, tại Lễ Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023, do Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức, cuốn  Cá linh đi học của Lê Quang Trạng đã được vinh danh. Trong hạng mục 10 cuốn sách nổi bật của năm 2023, một đại diện khác của văn chương miền Tây Nam bộ cũng được vinh danh, đó là tập truyện Trôi của Nguyễn Ngọc Tư.

Trước đây, Lê Quang Trạng đã đoạt nhiều giải thưởng văn học như: Giải Tư tại cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017; giải Tư tại cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2019 của tạp chí Văn nghệ quân đội; giải Tư tại cuộc thi truyện ngắn 2015 - 2017 của báo Văn nghệ; giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016; giải A của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI…

Một số tác phẩm đã xuất bản như tập thơ Áp tai vào đất, tập truyện ngắn Vệt sáng của bụi, tập bút ký Người chở chữ qua sông, các truyện dài  Cá linh đi học,  Thủ lĩnh băng vịt đồng, gần nhất là tập tản văn Những hạt bùn vạn dặm…

Nguồn: Thể thao văn hóa