cart.general.title

Lục Mạnh Cường: 'Được các em đọc và trò chuyện cùng là niềm vui lớn với tôi'

Nhà văn Lục Mạnh Cường là cái tên quen thuộc trong sách giáo khoa, khi anh có 3 tác phẩm và nhiều đoạn trích được giảng dạy trong bậc tiểu học.

Hai tác phẩm anh viết về đời sống, thiên nhiên, con người vùng đất Hà Giang quê hương anh là Lên nươngNhững mùa hoa trên cao nguyên đá được chọn đưa vào Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo. Trước đó, Lớp học cuối Đông được đưa vào Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo.

Những bài này cũng là tiêu biểu cho văn phong mà Lục Mạnh Cường đã tạo dựng nên trong gần 20 năm cầm bút. Có thể đọc thấy những tình cảm sâu sắc, trìu mến của anh trong từng con chữ, chi tiết, hình ảnh mà anh viết về quê hương, con người vùng địa đầu Tổ quốc quê mình.

Đến với văn chương thật tự nhiên

* Duyên văn chương đến với thầy giáo Lục Mạnh Cường như thế nào?

- Tôi đi dạy được khoảng 5 - 6 năm, mới bắt đầu viết cho thiếu nhi. Khi đi dạy, tôi thường hay trò chuyện với học sinh. Những câu chuyện, những cảnh đời về cuộc sống học sinh miền núi nơi tôi dạy (Trường phổ thôngdân tộc bán trú Tiểu học và THCS Quảng Ngần -  huyện Vị Xuyên, Hà Giang - vùng sâu vùng xa khó khăn, hầu hết học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số) ấn tượng tới mức tôi muốn viết lại. Thứ nhất để chuyển tải những câu chuyện, những thông điệp mình muốn gửi gắm trong đấy, sau là để có thêm sự đồng cảm với con người vùng cao từ độc giả nhiều vùng miền khác nữa.

Nhà văn Lục Mạnh Cường

Bản thân tôi là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hà Giang, lại gắn bó và dạy học hàng chục năm nơi này, nên khi càng hiểu, tôi càng thấy quanh mình có bao câu chuyện hay để chia sẻ.

Tôi viết truyện ngắn đầu tiên là Seo May. Tác phẩm đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức là mối duyên để sau đó khích lệ tôi viết tiếp cho thiếu nhi. Nhìn lại, bên cạnh nghề dạy học, nghề viết đưa lại cho tôi nhiều niềm vui, được chia sẻ,…

* Sau tác phẩm "Seo May", anh còn 2 lần nữa đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi nói trên. Phải chăng đề tài văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số vẫn thường được ưu ái?

- Có lẽ vì đề tài miền núi hiện vẫn còn đang thiếu nên có thể khiến ai đó nghĩ rằng, có sự ưu ái; nhưng cá nhân tôi không nghĩ có sự ưu ái gì ở đây cả. Nếu có sự ưu ái mà tác phẩm không có chất lượng, không xứng đáng, thì đó là cách nhanh nhất để nhà văn tự đào thải mình. Hay dở gì cũng không thể giấu được khi đã viết ra; và, có sự ưu ái hay không, tự người đọc sẽ cảm nhận được rõ hơn cả.

Trang SGK “Lên nương”

* Trước anh, đã có nhiều nhà văn khẳng định tên tuổi của mình với mảng đề tài văn học dân tộc thiểu số. Là một nhà văn trẻ, anh có ngại những cái bóng lớn ấy?

- Khi viết văn, tôi không bị áp lực về việc phải viết, phải có tác phẩm vì bất cứ lý do gì cả nên khi gặp điều gì thú vị mới viết. Và cứ tự nhiên như thế. Hiện thực cuộc sống của con người, của trẻ em miền núi có rất nhiều điều thú vị, rất nhiều điều khiến tôi muốn chia sẻ. Và tôi viết, chỉ đơn giản là vì muốn chia sẻ chứ chưa lúc nào nghĩ cần phải nổi tiếng hay phải đạt được một điều gì đấy.

Chính vì vậy, tôi không có suy nghĩ rằng mình phải vượt qua cái bóng của tên tuổi nào đó.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, sống từ nhỏ trên mảnh đất này nên hầu như không phải suy nghĩ quá nhiều khi viết. Trong không gian văn hóa mà tôi được lớn lên ấy, những điều tôi kể ra là sự gắn bó bền vững, đã in trong tâm hồn mình, và là những điều tôi thấu hiểu nhất, tự tin rằng mình có thể viết ra tốt nhất trong những đề tài tôi chọn.

Trang SGK “Những mùa hoa trên cao nguyên đá”

Sống như thế nào thì viết ra như thế thôi. Và khi nghĩ rằng viết để được vui với niềm vui sẻ chia, thì những trang viết của tôi tự khắc sẽ làm nên phong cách của mình.

Nói như thế không có nghĩa tôi chỉ mang chuyện của mình ra để viết. Là thầy giáo, tôi thường được nghe học sinh kể chuyện. Chuyện các em phải đi bộ hàng ngày đến trường vất vả thế nào, về đời sống gia đình, bạn bè các em… và cứ thế, năm này qua năm khác, tôi có sẵn một kho tư liệu ăm ắp để viết. Tôi tìm thấy cảm hứng, đề tài trong chính cuộc sống hiện thực gần gũi quanh mình.    

"Học trò vùng cao đa số nhút nhát, hiền lành, ít nói, nên việc các em mở lòng sẻ chia với mình qua trang sách đã là một thành công với người viết, người thầy rồi" - nhà văn Lục Mạnh Cường.

Bắt đầu từ những việc nhỏ

* Nói về văn phong Lục Mạnh Cường, thật dễ nhận ra bằng giọng văn ấm áp, những câu chuyện kết thúc có hậu, anh có ảnh hưởng phong cách sáng tác từ ai không?

- Tôi viết từ những câu chuyện mình gặp, bằng cách mình nghĩ về cuộc sống nên không quan tâm nhiều đến phong cách. Một số nhà văn trong Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang mà tôi hay gặp cũng nói rằng, đọc truyện của tôi thấy sự nhân hậu - có lẽ vì những cái kết có hậu ấy. Khi viết cho thiếu nhi, tôi luôn muốn kể về những điều ấm áp. Cũng nhiều người nói phong cách văn tôi giống cách con người tôi sống: Hiền hiền, lành lành, không sôi nổi được.

Ở Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang, tôi thường chơi với Chu Thị Minh Huệ. Bạn ấy thường là người đọc tác phẩm tôi đầu tiên, góp ý để tác phẩm hay hơn. Việc lắng nghe góp ý của những nhà văn bạn bè giúp tôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong viết văn. Tôi vẫn thường có thói quen đọc lại những tác phẩm mình từng viết và may quá không nhận ra sự quá khác biệt về chất lượng.

Một tác phẩm của Lục Mạnh Cường

* Anh từng viết sách cho con, và nhiều sách viết về học sinh vùng cao. Những độc giả nhí có nhiều sự sẻ chia với anh không?

- Tập tản văn mang tính tự truyện Cho con và những yêu thương (NXB Kim Đồng) là tác phẩm tôi viết cho con trai mình khi cháu còn bé, và thú thực là đến giờ, lớn rồi mà con vẫn chưa đọc. Nhưng đây là tác phẩm tôi chia sẻ được nhiều khi một đoạn trích từ tác phẩm - bài Lớp học cuối Đông - được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3 (tập 1, bộ Chân trời sáng tạo). Còn học trò tôi, nhiều cháu đọc sách của thầy và có trò chuyện về những tác phẩm ấy.

Viết về cuộc sống gần gũi của các em, được các em đọc và trò chuyện cùng, đơn giản vậy thôi đã là niềm vui lớn với tôi rồi. Vì học trò vùng cao đa số nhút nhát, hiền lành, ít nói, việc các em mở lòng sẻ chia với mình qua trang sách đã là một thành công với người viết, người thầy rồi.

Một đoạn đường quê hương

* Được biết, anh có một nhóm bạn bè văn nghệ cũng quan tâm dòng văn học thiếu nhi miền núi. Các anh, chị hiện đang làm gì để có thể lan tỏa hơn mảng đề tài này?

- Nhóm của chúng tôi khoảng 7 - 8 người, gồm những nhà văn sống ở Hà Giang, viết về đề tài miền núi như nhà văn Chu Thị Minh Huệ, Nguyễn Trần Bé… Chúng tôi thường trao đổi nhau về việc viết và đọc để gắn bó hơn trong công việc này. Trước đây từng có tủ sách dành cho thiếu nhi dân tộc thiểu số của NXB Kim Đồng, học sinh miền núi rất hứng thú với tủ sách này, nhưng hiện giờ không còn nữa.

Thực tế có những nhà văn viết rất hay về đề tài thiếu nhi miền núi nhưng cũng có những tác giả không phải người trong cuộc, có những tác phẩm không phù hợp với thiếu nhi dân tộc thiểu số… Cho nên, nhìn chung, dù được quan tâm nhưng học sinh vẫn còn thiếu sách để đọc về cuộc sống, xã hội mà chính mình đang sinh sống.

Chúng tôi mong rằng, bằng sự góp sức dù nhỏ cũng có thể làm gì đó giúp các bạn trẻ viết và đọc tốt hơn. Nhưng làm thế nào để trẻ vùng cao không "thiếu sách", "đói" sách, có nhiều hơn những tác phẩm viết về các em thì đó là bài toán lớn mà cần rất nhiều bàn tay cùng chung sức. 

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nhà văn Lục Mạnh Cường sinh 1980 tại Hà Giang. Tác phẩm của anh viết về thiên nhiên, cảnh sắc, con người miền núi phía Bắc - là quê hương, nơi anh sinh ra và lớn lên.

Anh là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2012), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2021). Tác phẩm đã in: Cây Pác pết, Quà tặng ngày biết ơn, Hang bạc, Trăng trên Khau Luông, Yêu thương ở lại, Gió từ phía mặt trời...

Nguồn: Thể Thao Văn Hóa