cart.general.title

Trưởng thành cần nhiều dũng cảm

Nhà văn Trần Đức Tiến đã mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi một câu chuyện cảm động về giá trị của tình yêu thương và lòng tốt. Sự bao dung và nhân hậu chính là phép màu của cuộc đời.

Truyện dài Làm mèo của tác giả Trần Đức Tiến. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Trong vài năm trở lại đây, độc giả nhí biết đến nhà văn Trần Đức Tiến nhiều hơn qua hai tác phẩm hấp dẫn: Xóm Bờ Giậu và A lô! Cậu đấy à?. Là một cây bút kỳ cựu của văn học thiếu nhi đương đại, ông đã mang đến cho bạn đọc tuổi hoa nhiều tác phẩm hấp dẫn, gần gũi và giàu tinh thần nhân văn.

Làm mèo là một truyện dài của nhà văn Trần Đức Tiến được xuất bản lần đầu năm 2003. Sau hai mươi năm kể từ lần đầu ra mắt, tác phẩm này đã tái xuất bằng một diện mạo mới, với nhiều tranh minh họa sống động của họa sĩ Tạ Huy Long.

Xoa dịu những nỗi đau bằng tình yêu thương

Câu chuyện Làm mèo xoay quanh chú mèo có cái tên ngộ nghĩnh: Cháu Ông. Mẹ của cậu là một con mèo hoang, được một ông lão tốt bụng nhặt về nuôi. Do thuở nhỏ bị bỏ rơi và đối xử tàn nhẫn, nên mèo mẹ đã mắc chứng bệnh tâm thần. Dù đầu óc có đôi lúc không tỉnh táo, nhưng nó vẫn rất yêu hai đứa con của mình. Cháu Ông và cô em gái Đốm Hoa là hai bé mèo dễ thương được mèo mẹ sinh ra trong một đêm mưa gió.

Hai anh em lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và ông bà. Vợ chồng ông nhà văn tốt bụng coi ba mẹ con mèo hoang như thành viên trong gia đình. Mấy mẹ con đã có một mái nhà thực sự, nơi chúng được bảo bọc trong tình yêu thương.

Khi Đốm Hoa được vài tháng tuổi và có thể ăn cơm, có một người quen của ông nhà văn đã ngỏ ý muốn xin nó về nuôi. Hai ông bà muốn Cháu Ông đi cùng, bởi khi có anh trai bên cạnh, cô bé Đốm Hoa sẽ nhanh quen với nhà mới.

Đang sống trong tình yêu thương của ông bà, "tai họa" bỗng ập đến với chú mèo đáng yêu. Cháu Ông từ một chú mèo hạnh phúc, nay trở thành mèo hoang, phải lăn lộn để kiếm miếng ăn bỏ bụng. Lũ mèo hoang, nếu muốn được ăn no, đều phải ra chợ giở trò trộm cắp. Cháu Ông cảm thấy rất xấu hổ khi phải làm chuyện không đàng hoàng ấy, bởi ông luôn dạy chú phải sống trung thực.

Dù khó khăn luôn bủa vây, nhưng chú mèo đáng yêu ấy vẫn luôn lạc quan và hết lòng giúp đỡ những người bạn yếu thế. Đó là cách tốt nhất để nó đáp lại tình yêu thương mà bản thân đã được nhận trong quá khứ.

Viết cho tuổi nhỏ để giữ lại phần thơ ngây trong tâm hồn

Nhà văn Trần Đức Tiến tâm sự: “Viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ”. Khi có thể nhìn cuộc đời bằng ánh mắt ngây thơ của con trẻ, chúng ta mới cảm nhận được những vẻ đẹp bình dị mà đáng quý của đời sống này. Dù chúng ta đã trải qua nhiều giông bão của cuộc đời, nhưng mỗi người lớn hãy cố gắng giữ lại trong tâm hồn một phần “hồn nhiên” của trẻ nhỏ.

Phần minh họa tác phẩm Làm mèo do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Các sáng tác của nhà văn Trần Đức Tiến hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi bởi lối kể chuyện sinh động, tự nhiên.

Là người có óc quan sát tỉ mỉ, nhà văn đã miêu tả rất sống động những đặc tính vốn có của loài mèo như: Tinh nghịch, hiếu động, thích được con người vuốt ve, nhạy cảm với tiếng động lớn… và lồng ghép các chi tiết đó vào câu chuyện một cách hợp lý.

Làm mèo là một tác phẩm đồng thoại, thế nên việc sử dụng thủ pháp nhân hóa nhuần nhuyễn, hợp lý, không khiên cưỡng là rất quan trọng. Nhà văn Trần Đức Tiến đã thổi hồn vào nhân vật Cháu Ông một cách tài tình. Ở chú mèo này, chúng ta thấy được hình ảnh của một cậu bé lém lỉnh, thông minh, giàu tình cảm, rất yêu ông bà.

Nhà văn Trần Đức Tiến đã đầu tư kỹ lưỡng cho việc xây dựng hệ thống nhân vật đa dạng trong tác phẩm. Mỗi nhân vật có một màu sắc tính cách riêng. Tác phẩm cũng chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa cho bạn đọc nhỏ tuổi. Tác phẩm ca ngợi giá trị của gia đình, tình yêu thương và lòng tốt.

Phần minh họa sống động, đẹp mắt của họa sĩ Tạ Huy Long sẽ khiến cho bạn đọc nhí hào hứng hơn trong chuyến phiêu lưu cùng chú mèo dũng cảm.

Nguồn: Zing