cart.general.title

“Ma trận” sách giả, sách lậu – Bài 3: Chung tay ngăn chặn

Báo SGGP giới thiệu ý kiến một số chuyên gia xung quanh việc “hiến kế” cho những giải pháp về phòng chống sách giả, sách lậu vốn đang trở thành vấn đề nhức nhối.

- Bà ĐINH THỊ THANH THỦY, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM, nguyên Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: Chấp nhận in theo yêu cầu

Hiện nay, có một số trường hợp tự ý in hoặc scan những ấn phẩm không còn lưu hành trên thị trường. Việc làm này đã vi phạm Luật Xuất bản, và cũng là hành vi in và phổ biến sách giả, sách lậu. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, trong một số trường hợp, điều này phản ánh nhu cầu thực tế của bạn đọc.

Trước đây, có một ý tưởng rất hay, là in theo yêu cầu. Bạn đọc có nhu cầu mua những đầu sách của NXB nhưng không còn trên thị trường, có thể liên hệ trực tiếp với chính đơn vị xuất bản để đặt hàng mua sách. Khi đó, NXB sẽ tiến hành in ấn số lượng nhỏ để cung cấp cho bạn đọc theo yêu cầu. Dĩ nhiên, do số lượng in ít nên giá thành sẽ cao hơn bình thường, nhưng có thể xem đây là một loại hình dịch vụ mở rộng nên chi phí cao là điều tất yếu. Có như thế, dần dần bạn đọc sẽ lựa chọn hình thức này, thay vì mua sách lậu qua mạng, bởi chất lượng, vấn đề bản quyền đều được bảo đảm.

- Luật sư PHAN VŨ TUẤN, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam: Cần có bộ phận chuyên môn để xử lý

Do việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với bản quyền sách trên không gian mạng hiện nay mang tính đặc thù nên cần phải có một bộ phận chuyên môn phụ trách xử lý để bảo vệ quyền tác giả một cách tối ưu nhất, đưa ra biện pháp phù hợp và hiệu quả.

Trong đó, cơ quan này sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật và đảm nhận nhiệm vụ giám sát, bảo vệ, xác định đối tượng được bảo hộ và hành vi xâm phạm trên không gian mạng. Đồng thời cũng nên có quy định về sự phối hợp giữa cơ quan này với các đơn vị trong ngành xuất bản, đơn vị cung cấp các nền tảng trực tuyến, các cơ quan chuyên môn khác trong việc xử lý hành vi vi phạm một cách phù hợp và hiệu quả.

- Nhà báo TRUNG NGHĨA, Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM năm 2023: Mở những chiến dịch nâng cao ý thức của độc giả

Tôi chưa bao giờ mua phải sách giả, tuy nhiên tôi đã thấy và cầm trên tay nhiều cuốn sách giả do đồng nghiệp đưa xem để có kinh nghiệm phân biệt với sách thật. Chất lượng sách giả rất tệ trên mọi phương diện: bìa sách, chất lượng giấy, in chữ lem nhem, trình bày rất cẩu thả, nói chung là rất khó chịu đối với người yêu thích đọc sách.

Để ngăn chặn tình trạng sách lậu, sách giả tràn làn (nhất là trên mạng xã hội) hiện nay, tôi nghĩ cần có những chiến dịch nâng cao ý thức của độc giả phổ thông: nói không với sách giả tuy rẻ nhưng xấu xí, kém chất lượng, ủng hộ và chỉ mua sách thật. Nếu túi tiền eo hẹp, bạn có thể chọn mua vài quyển sách cần thiết nhất cho bạn trong thời điểm đó; tìm cách trao đổi sách qua lại với bạn bè để đôi bên đều được đọc nhiều sách hơn… Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc sách mới ở các thư viện. Các nhà xuất bản tăng cường truyền thông cho bạn đọc phân biệt rõ sách giả/sách thật khác nhau như thế nào.

- Ông LÊ HOÀNG THẠCH, Giám đốc điều hành Voiz FM: Khuyến khích các đơn vị tích cực tham gia chuyển đổi số

Đối với việc xử lý các hành vi vi phạm bản quyền sách nói (audiobook) trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook, các ứng dụng di động…, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp các nền tảng lớn để cắt quảng cáo đối với các nội dung vi phạm, tác động trực tiếp tới gốc rễ vấn đề, thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ lẻ tẻ.

Cục Xuất bản, In và Phát hành cần khuyến khích các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị khai thác sách giấy và sách nói, để đáp ứng nhu cầu của độc giả.

- Bạn đọc NGUYỄN THANH HOA (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM): Giúp bạn đọc hiểu lý do ủng hộ sách thật

Là một người yêu thích đọc sách, luôn mong muốn mua được sách với giá tốt, nhưng tôi chưa bao giờ ủng hộ việc mua bán, sử dụng sách giả, sách lậu. Tôi tôn trọng và ủng hộ bản quyền của nhà xuất bản, nhà phát hành và đặc biệt là của tác giả. Bản thân tôi cũng muốn sở hữu sản phẩm trí tuệ được làm chỉn chu nhất, chất lượng tốt nhất. Theo tôi, để ngăn chặn tình trạng sách lậu, cần làm sao để độc giả hiểu về sách thật. Hiện tại, mọi người vẫn mua sách lậu vì giá thành rẻ và không nghĩ điều đó là sai.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2002, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: Áp dụng biện pháp công nghệ, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nguồn: SGGP