cart.general.title

Sách giả, lậu tràn từ hiệu sách lên không gian mạng

Vi phạm bản quyền sách hiện không chỉ dừng ở phương thức bán sách truyền thống, mà trên không gian mạng, sách giả, sách lậu cũng đang bị phát tán tràn lan. Để xử lý tình trạng này, không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các nhà xuất bản mà chính mỗi khách hàng cũng cần là một người đọc thông thái.

Các trang bán sách giả, sách lậu từng bị nhiều NXB tố cáo song vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Khánh An

Loạt chiêu trò bán sách giả

Say sưa đọc “Những thành phố giấy” của John Green đến trang 203, Phạm Tùng Chi (28 tuổi, Hà Nội) mới phát hiện ra mình đã mua phải sách giả, bởi những trang tiếp theo của cuốn sách này có nội dung lặp lại y như phần đầu tiên. Chi kể mua quyển sách này tại một hiệu sách tại quận Cầu Giấy. Sách có giá bìa là 135.000 đồng, song được giảm giá chỉ còn 72.000 đồng.

“Sách mới mua về có bìa mỏng, nhiều đoạn chữ in mờ nhòe và khi mở ra bị bong keo. Chỉ đến khi đọc được quá nửa cuốn sách, mình mới biết mình đã mua phải sách giả” - Chi nói.

Năm 2018, tại buổi buổi giao lưu, tặng chữ ký nhân dịp cuốn sách “Cảm ơn người lớn” ra mắt, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã phải lịch sự từ chối ký vào cuốn sách giả của một độc giả nhỏ tuổi. Sau đó, nhà văn đã đổi cho độc giả này bằng một cuốn sách thật khác. Hay một lần khác, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phải đột nhiên dừng lại, trầm tư, rồi xin tạm nghỉ khi nhìn thấy 10 cuốn sách giả của một cô bé. Trong lúc nghỉ ngơi, ông chia sẻ với Ban tổ chức và quyết định tặng cô bé một cuốn sách thật.

Tình trạng bán sách lậu, sách giả theo phương thức truyền thống đã tồn tại từ lâu. Trong những năm gần đây, các đối tượng vi phạm quyền tác giả có xu hướng chuyển dịch lên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok để bán sách giả... Trên các nền tảng này, các đầu sách giả được bán tràn lan, với mức giá được quảng cáo là “sập sàn”.

Chỉ cần gõ cụm từ "xả kho sách giá rẻ", "sách giảm giá", “tổng kho sách giá rẻ”, “kho sách thanh lý”... trên các trang mạng xã hội, có thể tìm thấy hàng nghìn kết quả, với mức rao bán vô cùng rẻ. Nhiều trang rao bán sách đồng giá 19.000 đồng, 29.000 đồng, 39.000 đồng. Một số đối tượng còn chạy các chương trình khuyến mãi bán theo combo (kết hợp nhiều đầu sách) với mức giá giảm tới 50-80%.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nhiều lần từ chối ký vào những cuốn sách giả. Ảnh: Khánh An

Hồi chuông báo động

Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỉ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số.

Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh...

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2022, các cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 127.051 xuất bản phẩm các loại, xử phạt hành chính 677 triệu đồng (tăng 3% so với năm 2021).

Bà Phan Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - cho biết, trang web công bố các “sản phẩm văn hóa lậu” ngày càng nở rộ, hoạt động ngang nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật. Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện.

Cũng theo bà Hà, nhiều người dùng đã tiếp tay cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả bằng cách đọc, xem các bản sao chép lậu, mua sách giả trên mạng.

"Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động như hiện nay" - bà Hà cho biết.

Theo ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka, có nhiều trường hợp, chính những người vi phạm lại không biết mình vi phạm. Người dùng cũng không phân biệt rõ đơn vị nào là chính thống - có sở hữu bản quyền, và đơn vị nào là lậu.

Nghiên cứu của Công ty Cổ phần sách điện tử Waka cho thấy, chỉ có từ 2 - 3% lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm mình mua là thật hay giả. Vậy nên, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc dẹp sách giả, sách lậu, thì chính mỗi người dùng cũng cần ý thức trong việc chọn mua và đọc sách thật.

Nguồn: Lao Động